Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ ngắn gọn | Myphamthucuc.vn

ToiLoigiai gửi đến bạn Top 3 bài Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ ngắn gọn, hi vọng các bài phân tích mẫu này sẽ giúp bạn có thêm nhiều lựa chọn trong quá trình viết văn của mình

Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ – Bài mẫu 1

       Hàn Mặc Tử đã mang cả tiếng lòng quằn quại, đớn đau của mình vào trong thơ, để kiếm tìm sự đồng điệu của những điệu hồn. Đây Thôn Vĩ Dạ là một trong những kiệt tác của Hàn Mặc Tử mà ở đó người đọc dường như thấy một cái tôi đang đau đớn trong mặc cảm về sự chia lìa, đồng thời thấy được một hồn thơ với tình yêu đời, lòng khát sống mãnh liệt mà cũng đầy uẩn khúc, bế tắc của Hàn Mặc Tử.

       Mở đầu bài thơ là một câu hỏi, mà cũng như đã là một câu trả lời, hay một lời trách móc ý nhị, mà có chăng cũng là một lời mời đầy bất lực để tiếp đó dẫn người đọc vào bức tranh thiên nhiên thôn Vĩ tươi đẹp, giàu sức sống: 

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền”

        Câu hỏi mở đầu như đã phân tích ở trên, thực chất không phải là câu hỏi đề trả lời, nó cứ buông ra thế để thành dòng độc thoại bộc lộ tâm tình của một cái tôi cô độc, cô đơn đang khao khát được đồng cảm, gắn kết. Ba câu thơ tiếp theo mở ra một không gian thôn Vĩ tươi đẹp biết bao. Nắng hàng cau mới lên, gợi lên vẻ đẹp thanh khiết, tươi mới, trong trẻo. Câu thơ hay là một câu thơ giàu sức gợi, chỉ với vài từ ngữ giản dị, nhưng lại mở ra cho ta hiểu hơn rất nhiều về hồn thơ này, rằng Hàn Mặc Tử luôn khát vọng về một vẻ đẹp tinh khiết, trong ngần, tươi mới, đó không chỉ là ngưỡng vọng của một hồn thơ, mà còn là khát khao của một tín đồ. Tiếp cái nắng trong trẻo, tươi xanh là hình ảnh “Xanh như ngọc”, vừa gợi sự sang trọng, quý giá, vừa gợi sức sống, nhựa sống căng tràn trên từng dòng thơ. Mướt gợi lên vẻ đẹp óng ả mà đầy xuân sắc, mảnh vườn bình dị bỗng chốc hiện lên đầy vẻ thanh tú cao sang mà cũng kiều diễm biết chừng nào. Câu thơ cuối hình ảnh lá trúc che ngang mặt chữ điền, gợi sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên, đồng thời cũng gợi nên vẻ đẹp cân đối hài hòa đầy hoàn hảo. 

        Nhưng cái dị, cái bất thường cái lạ để làm nên một hồn thơ điên chính là trong khổ thơ thứ hai này đây, khi đang trong khổ trên hình ảnh tươi mới, tràn đầy sự gắn kết, sự sống thì khổ thơ thứ hai lại mang màu sắc ảm đạm ngược lại:

“Gió theo lối gió, mây đường mây

Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?”

         Hình ảnh gió mây trong cuộc sống vốn là hai thứ không thể tách rời, mà luôn song hành với nhau, sự chia cắt trong thơ Hàn Mặc Tử của hai hình ảnh này vì thế gợi lên nhiều niềm ám ảnh cũng như đầy sức gợi. Đúng vậy, đây không còn là hình ảnh của thị giác, mà là hình ảnh của mặc cảm. Mặc cảm chia lìa đã chia lìa cả những thứ tưởng như không thể chia lìa, không gian không thể tự buồn mà bởi thi nhân đã bỏ buồn vào dòng sông “dòng nước buồn thiu hoa bắp lay”. Dòng nước lững lờ, ngưng đọng, hay chính dòng đời mệt mỏi, cay đắng chảy vào lòng nhà thơ khiến thi sĩ miên man trong những nỗi buồn xa xăm. Tất cả cảnh vật, sự vật trong hai câu thơ đầu đều nhuốm mình trong mặc cảm chia lìa đau thương của Hàn Mặc Tử, đến hai câu thơ cuối, phải chăng là sự níu giữ trong tuyệt vọng của hồn thơ đầy đau thương. Từ kịp gợi sự chấp chới, chơi vơi, vô định đồng thời cũng như khắc khoải đâu đây nỗi bất lực vô định. “Có chở trăng về kịp tối nay?” Trăng dường như đã là một nơi nương tựa duy nhất, một tri âm, một cứu tinh, một cứu chuộc. Chỉ trong hai câu thơ thôi mà dường như ta thấy được bao nhiêu dồn nén chất chứa của một hồn thơ điên, nhà thơ khát khao được sống dẫu biết lưỡi hái của thần chết đang đến gần, nên vội vàng chới với trong từng phút giây để được sống, và khao khát kiếm tìm sự đồng điệu để sẻ chia. Nhưng tiếc thay: 

“Mơ khách đường xa khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà?”

        Cả “em”, cả thôn Vĩ tươi đẹp ấy đều đã vượt xa khỏi tầm với, đều là thế giới “ngoài kia” trong trẻo, tươi đẹp, tinh khôi. Đối lập hoàn toàn với thế giới tối tăm, đơn độc, lạnh lẽo trong này. Tất cả chỉ còn là mờ nhân ảnh, tiếng lòng của hồn đau không ngừng hướng ra ngoại giới để kiếm tìm sự đồng vọng, nhưng càng khao khát thì hiện thực phũ phàng lại càng đánh bật lại những đòn giáng trớ trêu. Câu hỏi cuối vang lên đầy khắc khoải, bởi đó vừa như tiếng thở dài, hay cũng là lời cầu mong của một kẻ tha thiết gắn bó đến cháy lòng.

        Thơ là sự lên tiếng của thân phận, trớ trêu thay định nghĩa ấy lại thật đúng với Hàn Mặc Tử, thơ ông là tiếng kêu xé lòng của một niềm đau, một hồn đau đầy cô độc, cất tiếng vọng hướng đến tìm kiếm sự đồng điệu, nhưng đáp trả mãi chỉ là những ảo ảnh thực tại đầy phũ phàng, nghiệt ngã. Đây thôn Vĩ Dạ vừa đẹp mà cũng vừa thật ám ảnh, chở đi biết bao nỗi niềm của Tử gửi vào hậu thế sau này.

Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ – Bài mẫu 2

   “Trước không ai có, sau không có ai, Hàn Mặc Tử như một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói lòa rực rỡ của mình” (Chế Lan Viên). Vâng, Hàn Mặc Tử thật sự là một nhà thơ khẳng định phong cách riêng biệt, có cá tính. So với những thi sĩ cùng thời, chất trữ tình trong thơ của ông luôn khác biệt, tạo cho người đọc một sự liên tưởng, tầng ý nghĩa sâu xa. Tác phẩm chứng minh rõ chất thơ của thi sĩ chính là bài thơ “Đây thôn vĩ dạ”.

        Cái tên Hàn Mặc Tử trong làng thơ mới của nền văn học Việt Nam luôn có dấu ấn riêng không thể không nhắc đến. Ông luôn mang lại cho độc giả một điều gì đó đặc biệt trong thơ của mình mà không thể nhầm lẫn với bất kì nhà thơ nào. Cách viết thơ của ông có sự đan xen kết hợp giữa những hình ảnh giản dị, thân quen, thuần khiết lồng ghép với những yếu tố ma quái, rợn ngợp thế là tạo nên chất riêng trong thơ ông. Đây thôn vĩ dạ là một sáng tác năm 1938 được trích từ tập thơ Điên của tác giả.

Xem thêm:  Dàn ý diễn biến tâm trạng nhân vật Tràng sáng hôm sau lớp 12 | Myphamthucuc.vn

        Một khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp mang lại một năng lượng tràn đầy, tươi mới được nhà thơ chọn mở đầu rất thú vị, đầy cuốn hút:

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

… mặt chữ điền”

       Một bức tranh gợi tả về thôn Vĩ được nhà thơ thể hiện ngay ở đoạn thơ. Mở đầu ta bắt gặp ngay một câu hỏi thăm nhẹ nhàng nhưng hàm ý trách móc của nhân vật trữ tình, hay đó là tiếng lòng cô gái Thôn Vĩ chan chứa yêu thương, đầy mong đợi. Bức tranh làng quê Thôn Vĩ Dạ tiếp sau đó được vẽ ra tràn đầy sức sống. Khung cảnh thiên nhiên đầy gợi cảm, xanh tươi rực rỡ khi mặt trời mọc rọi những tia nắng ấm áp ban mai, cây cối tốt tươi, căng mọng tạo nên một nhịp sống yên bình, gắn bó. Hàng cau thẳng tắp trong buổi sớm mai được miêu tả khá là đặc biệt, gợi nhắc một điều gì khoẻ khoắn, chắc chắn của thiên nhiên. Hơn nữa nỗi niềm mộc mạc, yêu thương của làng quê được gợi lên qua hàng cau. Chữ “mướt” ở đây thật đắt, nhà thơ dùng khéo để nói về sức sống tươi tốt của khu vườn, đó là sự mượt mà, mướt mát của tơ non trong độ phát triển. Ẩn hiện trong khu vườn là nét đặc sắc nhành lá trúc thanh mảnh che ngang mặt chữ điền, tưởng chừng không liên quan mà lại gắn kết đến lạ. Sau lá trúc khuôn mặt chữ điền thấp thoáng mơ màng, hư thực.

        Nếu như ở khổ đầu tình cảm nhà thơ hé mở thì ở khổ thơ thứ 2 là một sự chuyển tiếp tinh tế từ việc hé mở tình yêu đến tả cảnh sông nước với niềm bâng khuâng, hư ảo:

“Gió theo lối gió…

… về kịp tối nay?”

        Hình ảnh gió và mây trôi nổi, lênh đênh, lang thang được sử dụng ở đây chỉ về nỗi buồn da diết và trong cách tả “mây đường mây”, “gió theo lối gió” càng thấm đượm thêm nỗi buồn sầu thương hơn nữa. Sự xa cách của mây và gió khi chúng không thể đồng hành cùng nhau được ví như tình yêu thầm kín của nhà thơ. Sự chia ly, tiễn biệt ở đây có lẽ đã đọng lại trong lòng người nỗi niềm man mác, tâm hồn u uất. “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” diễn tả rõ nét về những dòng thơ ở đoạn này. Dòng sông Hương hiện ra trong thơ cũng buồn vô cùng, tẻ nhạt một màu khói. Giờ đây trong lòng tác giả dòng sông thơ mộng, lờ lững trở nên buồn lặng, quạnh hiu một nỗi niềm xa vắng. Tuy buồn là thế nhưng nối tiếp đó là hai câu cuối của đoạn được diễn đạt đầy thơ mộng với hình ảnh ánh trăng sáng rực, huyền ảo. Trong đó là một trái tim khát khao yêu thương, nỗi mong nhớ  được đặt để vào thuyền trăng. Qua cách tả của nhà thơ bức tranh xứ Huế mộng mơ tuy buồn nhưng lại đẹp, thơ mộng vô cùng.

       Dù có thế nào thì nhà thơ vẫn cứ tiếp tục sống, chạy theo giấc mơ trong lòng đầy mãnh liệt:

 “Mơ khách đường xa, khách đường xa

Ai biết tình ai có đậm đà?”

       Chưa lúc nào nhà thơ ngừng trái tim khát khao yêu thương, dù đau, dù buồn cùng những kỉ niệm tình yêu nhưng ông gửi nó vào trang thơ thật đẹp. Mơ khách đường xa, ai trong chiếc áo trắng… mọi thứ trôi vào trong bao giấc mơ, màu trắng là màu ánh nắng của Vĩ Dạ khiến tác giả như ngây ngất trước sự thuần khiết, tinh khôi, cao quý của người ông yêu thương.

        Lúc này nhà thơ có chút khựng lại, giữa không gian sương khói đó ông thấy con người có thể mờ nhạt, nhòa đi và tình người cũng thế. Lúc này nhà thơ dành vài câu đặt tình cảm vào để tả tình, tâm trạng mình. Ẩn hiện trong sương khói, những cô gái Huế thấp thoáng xa vời, kín đáo, lòng tác giả chợt lóe lên suy nghĩ rằng liệu khi yêu họ có đậm đà chăng, lí do ông không dám khẳng định về tình cảm của cô gái Huế.

 “Ai biết tình ai có đậm đà?”

        Một lời nhắc nhở, bộc bạch nỗi lòng cùng một chút thất vọng được thể hiện qua câu thơ nhẹ nhàng. Trái tim khao khát yêu thương này thất vọng khi trọn vẹn của tình yêu không đến với tác giả. Nhìn có vẻ là câu hỏi tu từ nhưng sâu xa trong đó là lời tự sự rất thực của chính lòng tác giả đầy chất văn, da diết cảm xúc.

       Bài thơ “Đây thôn vĩ dạ” tuy ngắn ngủi nhưng từng dòng thơ luôn khiến người đọc thổn thức, da diết trước tình cảm chân tình tác giả đặt vào trong thơ. Bài thơ không chỉ nói về nỗi lòng khao khát tình yêu huyền ảo nửa thực nửa hư mà còn hiện ra một bức tranh tuyệt diệu say đắm lòng người. 

Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ – Bài mẫu 3

 Hàn Mặc Tử tên khai sinh là Nguyễn Trọng Trí, trong một gia đình viên chức nghèo theo đạo Thiên chúa. Năm 1936,ông mắc bệnh phong về Quy Nhơn chữa bệnh và mất ở trại phong Quy Hoà. Tuy cuộc đời nhiều bi thương nhưng tác giả là nhà thơ có sức sáng tạo mạnh mẽ nhất trong phong trào thơ mới. Với hồn thơ đau thương, đầy bí hiểm nhưng thể hiện được tình yêu quê hương, cuộc sống. Đây thôn Vĩ dạ là thi phẩm tiêu biểu cho phong cách sáng tác của tác giả, được viết năm 1938 in trong tập Thơ Điên (Đau Thương). Bài thơ khắc họa bức tranh xứ Huế đẹp thơ mộng, tràn đầy sức sống. Qua đó thể hiện nỗi niềm khắc khoải, và tình yêu với quê hương, yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống. Điều đó được thể hiện qua đoạn thơ sau:

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ

…..

Ai biết tình ai có đậm đà“

         Bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ được gợi cảm hứng từ mối tình của Hàn Mặc Tử với cô gái thôn quê ở Vĩ Dạ – một làng quê thanh bình nằm trên bờ Hương Giang, thuộc ngoại vi thành phố Huế. Vĩ Dạ đẹp với những con đò thơ mộng, những mảnh vườn xanh tươi bốn mùa, sum xuê hoa trái với dòng sông Hương lững lờ trôi. Nếu ai một lần đến xứ Huế sẽ mang một nỗi niềm vấn vương, lưu luyến “Đã bao lần đến với Huế mộng mơ, tôi ôm ấp một tình yêu dịu ngọt”. Và nơi đây cũng là nguồn cảm hứng vô tận của thi ca, âm nhạc. Thi sĩ Hàn Mặc Tử có dịp về thăm Thôn Vĩ và thương thầm trộm nhớ người con gái xứ Huế – Hoàng Cúc. Năm 1938, khi đang chữa bệnh tại trại phong Quy Hoà và nhận được một bức tranh phong cảnh có mây nước hữu tình, chiếc đò ngang và cô gái mặc áo dài trắng tinh khôi, kỉ niệm chợt ùa về. Thôn Vĩ Dạ đẹp nên thơ, nhà thơ đã dành cho nơi đây vần thơ đẹp nhất với tất cả lòng mến thương. Bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ là tiếng lòng của một thi sĩ tha thiết yêu cảnh, yêu đời.

Xem thêm:  Soạn Anh 8: Unit 13. SPEAK | Myphamthucuc.vn

         Tác giả vừa như phân thân vừa như mời gọi thân mật, vừa như trách móc nhẹ nhàng: ”Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”. Mở đầu bài thơ tác giả sử dụng câu thơ 7 chữ với 6 thanh bằng nhẹ nhàng lan tỏa và kết thúc câu thơ bằng một thanh trắc gợi cảm giác như xoáy sâu vào tâm trạng khắc khoải của tác giả. Trong lòng thi nhân luôn khát khao về thôn Vĩ. Bằng cặp mắt quan sát tinh tường  kết hợp với động từ “nhìn”, cảnh Vĩ Dạ lúc bình minh với những ngọn cau, tàu cau ngợi lên màu nắng mới, ”nắng mới lên” rực rỡ. Đó là những tia nắng ấm áp của ngày mới bắt đầu, tinh khôi. Khi những giọt sương đêm còn sót lại trên tàu lá cau, tạo nên một vẻ đẹp long lanh, ánh nắng ban mai chiếu xuyên qua tạo nên bức tranh căng tràn nhựa sống. Và đây cũng là ánh nắng ta có thể bắt gặp trong bài “Mùa xuân chín” của tác giả:

“Trong làn nắng ửng khói mơ tan

Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng“

          Vẻ đẹp của Vĩ Dạ không phải tạo nên ở hình ảnh “nắng hàng cau” mà phải là hình ảnh “nắng mới lên” trên “hàng cau”. Trong khoảnh khắc ấy thì mới bộc lộ hết vẻ đẹp tuyệt vời như tranh vẽ. Với câu hỏi tu từ “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc” kết hợp đại từ phiếm chỉ “ai” và phép so sánh đầy sức gợi, tác giả đang miêu tả một”màu xanh như ngọc”. Ngoài ra , tính từ chỉ mức độ “mướt quá” tạo ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc, nhà thơ đang ngợi ca vẻ đẹp lung linh, xanh trong. Sắc xanh ấy gợi cho người đọc nhớ đến câu thơ của Xuân Diệu:

“Đổ trời xanh trong sang trọng

Thu đến nơi nơi đọng tiếng huyền”

          Chỉ với hai câu thơ, nhà thơ Hàn Mặc Tử đã khắc họa bức tranh thiên nhiên căng tràn nhựa sống,tinh diệu ở thôn Vĩ Dạ trong khoảnh khắc bình minh.Bức tranh bình minh sinh động hơn khi con người xuất hiện thấp thoáng sau vòm lá trúc “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”. Trong quan niệm của người xứ Huế, ”mặt chữ điền” mang ý nghĩa cho một khuôn mặt phúc hậu, rắn rỏi. Tác giả dân gian ca ngợi “mặt chữ điền” qua câu thơ :

“Mặt em vuông tựa chữ điền

Da em thì trắng áo đen mặc ngoài

Lòng em có đất có trời

Có câu nhân nghĩa,có lời thuỷ chung”

          Câu thơ cuối, tác giả  đã tạo nên vẻ đẹp hài hoà giữa thiên nhiên và con người qua hình ảnh “lá trúc” mong manh, mềm mại còn “mặt chữ điền” đôn hậu, khoẻ mạnh. Hai nét đẹp ấy tưởng chừng như đối lập nhưng kết hợp hài hoà tạo nên một nét duyên ngầm của con người Vĩ Dạ. Khuôn mặt ấy ẩn hiện sau “vòm lá trúc”. Khuôn mặt “chữ điền” xuất hiện tạo nên một sự sống động, hữu tình gợi lên sự kín đáo, đằm thắm, rất Huế.

        Nếu khổ một là bức tranh làng quê lúc bình minh đẹp đẽ thơ mộng thì khổ hai là chìm vào hoàng hôn với cảnh sông nước con thuyền tràn ngập ánh trăng:

“Gió theo lối gió mây đường mây

Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay”

          Hai câu thơ đầu tác giả tạo dựng nên những hình ảnh nối tiếp nhau “gió”, “mây”, “dòng nước”, “hoa bắp” kết hợp nhịp điệu thơ chậm chạp gợi lên một nỗi buồn mênh mang, sâu thẳm của Huế. Phải chăng, đó là nỗi lòng của thi nhân khi rơi vào bi kịch và ý thức được bi kịch của mình. Bằng nghệ thuật đối lập”Gió theo lối gió, mây đường mây” kết hợp với điệp từ “gió”, “mây” được sử dụng rất đắt, hình ảnh được lặp lại không phải để nhấn mạnh cường độ của gió hay sắc thái của mây mà để đẩy gió và mây đôi đường ngăn cách. Mượn hình ảnh của gió và mây tác giả muốn nói lên nỗi buồn tủi, tuyệt vọng, về sự xa cách của mình. Dường như Hàn Mặc Tử dự cảm về một tình yêu không thành, từ đó người đọc cảm nhận được tâm trạng cô đơn, buồn đau. Câu thơ thứ hai hay nhất ở hai chữ ”buồn thiu” đặt giữa câu thơ kết hợp biện pháp nhân hóa “dòng nước buồn thiu” diễn tả nỗi buồn trong lòng thi nhân, hình ảnh dòng sông trở nên u buồn xa vắng, dòng sông như bất động, ngừng chảy như vĩnh viễn đánh mất sự sống của chính mình. Có lẽ đó cũng là nỗi lòng của Hàn Mặc Tử, bởi lẽ:”Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, cái buồn ấy lan tỏa cả sang “hoa bắp lay”. Hình ảnh “hoa bắp lay”gợi một nỗi buồn hiu hắt – một nỗi buồn bao phủ từ bầu trời đến mặt đất, từ gió đến mây đến dòng nước và hoa bắp trên sông. Đằng sau những cảnh vật ấy là tâm trạng của một con người mang nặng một nỗi buồn xa cách của một mối tình vô vọng, tất cả chỉ là hư ảo trong mộng tưởng. Hai câu thơ cuối, thi nhân rơi vào một thế giới của mộng ảo: ”Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/Có chở trăng về kịp tối nay”. Bằng hai câu hỏi tu từ cùng với những hình ảnh mê hoặc lòng người “dòng sông trăng” và “thuyền” chở trăng. Trăng là thế giới riêng của nhà thơ, là bạn tri âm tri kỉ.Trăng là nơi trú ngụ cuối cùng của linh hồn ông,trốn tránh sự truy đuổi đến cùng của đau đớn và cái chết. Mở đầu bài thơ là “nắng” thoắt cái là “trăng”. Nắng và trăng đều mang đến ánh sáng cho con người. Nắng mang đến cõi thực,còn trăng là cõi mơ ảo. Tại sao thuyền phải chở trăng về kịp tối nay”- đó là câu hỏi biểu lộ niềm lo lắng của một số phận không có tương lai . Tác giả hiểu căn bệnh của mình nên ông mặc cảm về thời gian ngắn ngủi của cuộc đời  mình. Giờ đây đối với ông sống là chạy đua với thời gian, ông luôn trân trọng từng ngày từng giờ trong cái quỹ thời gian ít ỏi của mình. Từ “ kịp” nghe có gì đó khắc khoải , tha thiết và đầy hi vọng chờ đợi một cái gì đó đang rời xa , không biết khi nào trở lại.Tối nay không biết là tối nào nhưng nếu không “kịp” chắc sẽ không còn thêm cơ hội nào nữa. Đây chính là nỗi ước ao, tha thiết với một nỗi buồn man mác của Hàn Mặc Tử khi nhớ mong về Thôn Vĩ. Khổ thơ thứ hai vừa vẽ lên cảnh trời mây nước lung linh, huyền ảo nhưng lại ẩn chứa nỗi lòng tha thiết của thi nhân, niềm đau dự cảm chia lìa,thất vọng trong hi vọng. Qua đó bộc lộ khát vọng sống, khát khao tình yêu.     

Xem thêm:  Các thì trong Tiếng Anh lớp 5 | Myphamthucuc.vn

        Giọng thơ trở nên gấp gáp, khẩn thiết nhân vật trữ tình đã chìm trong mộng ảo “một bước nhảy vọt rất Hàn Mặc Tử không có ở đâu và không ai có”(Lê Trí Viễn):

“Mơ khách đường xa, khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà”

         Nhà thơ đắm chìm trong cõi mộng nhưng rồi mộng trần gian say đến bao nhiêu cũng phải tỉnh. Vì thế tác giả như quay về với cõi thực nhưng tất cả lại rơi vào ảo ảnh qua điệp ngữ “khách đường xa” lặp lại hai lần kết hợp với nhịp thơ 4/3, nhà thơ hi vọng, khát khao, mong đợi người thân đến thăm để vơi bớt nỗi cô đơn, sầu tủi, nhưng càng hi vọng càng cảm thấy xa vời. Sự cách xa không chỉ về mặt không gian mà còn xa cách cả về tâm hồn và tình cảm. Giọng văn như trùng xuống, khắc khoải. Trong cõi mộng ảo, nhà văn mong chờ trong vô vọng. Thế giới ảo cũng giúp cho thi sĩ tạo nên một hình ảnh nên thơ “Áo em trắng quá nhìn không ra” gợi lên hình ảnh của cô gái thôn Vĩ ngày xưa chập chờn trong cõi mộng ảo tạo cho nhà thơ một cảm giác bâng khuâng, ngơ ngẩn. Tà áo dài ấy, mối tình ấy, người con gái ấy dường như rất gần lại hoá xa xôi. Tưởng như thực hóa ra ảo ảnh. Hình ảnh nàng thơ trong thơ tác giả luôn mang nghĩa biểu tượng cho cho vẻ đẹp tinh khôi và trong trắng. Vì thế màu áo trắng cứ như một ám ảnh kì lạ không thể đến gần khiến cho tác giả “ nhìn không ra”. Cụm từ “nhìn không ra” kết hợp với tính từ chỉ mức độ “ trắng quá” để miêu tả sắc trắng một cách kì lạ bất ngờ. Đây không còn là màu trắng của thực tại mà là màu của tâm tưởng. Câu thơ tạo nên một thế giới ảo nhưng có lí, làm cho người đọc ngỡ rằng là một bài thơ tả cảnh thiên nhiên xứ Huế nhưng đã trở thành một bài thơ tình – tình đơn phương khó xác định, khát vọng tình yêu đẹp giờ nhạt nhoà trong kí ức. Hai câu kết dẫn người đọc đi xa hơn cõi tâm tưởng. “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh” phác họa một cảnh tượng mờ ảo với “sương” và “khói” khiến cho mọi vật trở nên hư không. “Ở đây” có thể là thế giới ở trại phong Quy Hoà với bệnh tật đau thương. Nhưng ở đây cũng có thể ở Huế, nơi thôn Vĩ thơ mộng trữ tình. Có lẽ từ “đây” trong nhan đề “ Đây thôn Vĩ dạ” tươi đẹp nên thơ. Còn “ đây” trong khổ thơ cuối là thế giới riêng của Hàn Mặc Tử , giữa hai thế giới ấy cách đúng một tầm tuyệt vọng. Qua đó người đọc cảm nhận được khát khao tình yêu, khát vọng sống của thi nhân. Mọi tâm tư của nhà thơ đều dồn vào câu thơ cuối ”Ai biết tình ai có đậm đà”. Tác giả không dám khẳng định tình mình với cô gái Huế mà chỉ nói “ai”, đại từ phiếm chỉ “ai” dường như xuyên suốt bài thơ . Nét độc đáo sáng tạo thể hiện ở ba khổ thơ, Hàn Mặc Tử đều dùng “ai”, “vườn ai”, “thuyền ai” và bây giờ “ai biết tình ai có đậm đà”. Câu thơ ngân xa như một tiếng than, nỗi đau của Hàn Mặc Tử như đang trải ra, vào cõi mênh mông vô cùng. Lời thơ dường như nhắc nhở nhưng không bộc lộ tuyệt vọng hay hi vọng mà toát lên một sự thất vọng. Sự thất vọng của một thi sĩ – người chủ của những mối tình “khuấy” mãi không thành khối của một trái tim khao khát yêu thương mà không bao giờ và mãi mãi không có tình yêu trọn vẹn. Theo cảm xúc mạch thơ, với khổ thơ đầu lời ngợi ca vẻ đẹp ở Vĩ Dạ tràn đầy sức sống , còn khổ hai là niềm lo lắng trăn trở của thi nhân. Đọng lại ở khổ thơ cuối là tâm trạng hoài nghi, khắc khoải. Có lẽ câu thơ cuối là lời đáp lại cho câu mở đầu. Bằng câu hỏi tu từ ẩn chứa sự hoài nghi của thi nhân đối với con người thôn Vĩ. Không biết người xứ Huế có dành tình cảm cho mình hay không và khẳng định tình cảm của mình đối với con người xứ Huế. Hàn Mặc Tử là một người yêu đời, yêu người tha thiết và khát vọng được sống hạnh phúc trong tình yêu. Vì vậy, dòng thơ cuối như xoáy vào tâm can người đọc.

          Bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ được viết theo thể thơ 7 chữ, ngôn ngữ tinh tế, gợi hình gợi cảm, giọng điệu thiết tha, sâu lắng nhẹ nhàng. Ngoài ra bài thơ còn để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc bởi 3 câu hỏi tu từ và đại từ phiếm chỉ “ai”. Hàn Mặc Tử không chỉ  ca ngợi vẻ đẹp của xứ Huế mộng mơ mà còn bộc lộ nỗi niềm khắc khoải trân trọng từng giây phút cuộc sống và khát khao hạnh phúc. Cám ơn Hàn Mặc Tử đã để lại nhiều tác phẩm hay cho nền văn học Việt Nam. Người đọc mượn lời thơ của Trần Ninh Hổ thay cho nén nhang lòng tri ân cùng thi sĩ :

Nếu nhân loại không còn khao khát nữa

Và nhà thơ- nghề chẳng kẻ nào yêu

Người thi sĩ cuối cùng vẫn là Hàn Mặc Tử

Vẫn hiện lên ở đáy vực đợi chờ”

Trên đây là các mẫu Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ ngắn gọn của TopLoigiai. Nếu các bạn có điều gì góp ý thêm vào nội dung cho 3 mẫu phân tích này thì hãy comment xuống bên dưới nhé. Hãy cũng chúng tôi xem thêm các bài liên quan đến tác phẩm Đây thôn Vĩ Dạ sau đây:

Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Học tập