Phân tích bài thơ Đất nước đoạn 3 | Myphamthucuc.vn

Phân tích bài thơ Đất nước đoạn 3

Đất Nước được tạo nên bởi linh hồn, bởi điệu hồn của mỗi người con dân tộc đã gửi gắm trong đó tình yêu và máu thịt của mình. Đoạn thơ thứ 3 chính là những lập luận vừa sắc bén mà cũng đằm thắm trữ tình của Nguyễn Khoa Điềm, để từ đó giúp người đọc trả lời câu hỏi: Đất Nước do ai làm nên?

“Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu

Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái

Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại

Chín mươi chín con voi góp mình dựng Đất tổ Hùng Vương

Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm

Người học trò nghèo giúp cho Đất Nước mình núi Bút, non Nghiên.

Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh

Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm

Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi

Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha”

        Lượt qua có thể thấy, ở đây Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện cái nhìn rất mới mẻ, độc đáo của nhà thơ. Xưa nay, viết về danh lam thắng cảnh, non kì gấm vóc của đất nước dân tộc, vốn là mảnh đất, là đề tài đã nhiều người cày xới, nhiều bước chân khao khát khám phá kiếm tìm. Nhưng ở họ, người đọc mới chỉ nhìn thấy vẻ đẹp bát ngát, non kỳ thủy tú của giang sơn gấm vóc chứ chưa thấy phần hồn cốt thẳm sâu đằng sau mỗi mảnh đất, danh thắng. Song, đến Nguyễn Khoa Điềm thì nhà thơ không nhìn danh thắng ở hồn cốt bên ngoài mà nhìn sâu vào hồn cốt để thấy được những huyền tích, trầm tích văn hóa lịch sử khắc tạc ở trong đó: đó là những truyền thuyết thiêng liêng, thấm đượm tinh thần thượng võ của dân tộc, là những địa danh gắn với những phong tục tập quán, văn hóa, hay với những câu chuyện về con người, về lịch sử đã được lưu giữ qua hàng ngàn thế hệ.

Xem thêm:  Hãy thống kê tên các làn điệu dân ca Huế và tên những dụng cụ âm nhạc được nhắc tới trong bài văn, để thấy sự đa dạng phong phú của hình thức ca Huế trên sông Hương. | Myphamthucuc.vn

        Thứ hai, trong hành trình đi tìm câu trả lời cho câu hỏi Đất Nước do ai làm nên, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm không chỉ thể hiện cái nhìn mới mẻ mà còn thể hiện cách cảm nhận mới mẻ. Dáng núi hình sông không phải là sự tạo tác của thiên nhiên mà là sự hóa thân của tâm hồn con người. Từ nỗi đau trong cuộc đời mỗi cá nhân, mỗi thân phận đã hóa thân làm nên một dáng hình, một ao ước một lối sống ông cha. Sự tích hòn Vọng Phu không chỉ gợi ra cảnh ly tán, sự đợi chờ mòn mỏi trong chiến tranh mà còn ca ngợi tình nghĩa thủy chung của những người vợ nhớ chồng. Cách gọi tên Hòn Trống, hòn Mái của dân gian qua cái nhìn của nhà thơ đã trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp phồn thực, cho sự son sắt vĩnh cửu của tình yêu đôi lứa. Những quả đồi thấp bao quanh núi Hy Cương nơi có đền thờ các vua Hùng qua cái nhìn của nhân dân đã trở thành chứng tích của đàn voi 99 con quây quần thuần phục, trở thành biểu tượng của lòng dân đồng thuận hướng về quốc gia thống nhất. Núi Bút, non Nghiên là hình ảnh Đất nước ngàn năm văn hiến  với truyền thống hiếu học lâu đời, hình ảnh của một Đất Nước lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa.

Xem thêm:  Đọc hiểu Khát vọng hay nhất thi THPT Quốc gia | Myphamthucuc.vn

        Như vậy, khi khái quát lại ta có thể nhận ra, nếu thiên nhiên kiến tạo nên thế núi hình sông, thì nhân dân, chính nhân dân mới là người kiến tạo linh hồn cho mỗi ngọn núi con sông. Xuất phát từ quan niệm hóa thân của nhà Phật, Nguyễn Khoa Điềm đã chứng minh nhân dân đã hóa thân vào đất nước.

        Đoạn thơ bắt đầu từ những huyền thoại của văn hóa dân gian nhưng lại bay bổng trên nền thế giới ấy nhờ cái nhìn mới mẻ độc đáo của phương thức tư duy hiện đại. Những núi sông không còn là cảnh sắc thiên nhiên thuần túy, những câu chuyện của văn hóa lịch sử không chỉ đơn thuần mang tính chất thiêng liêng, mà tất cả dưới cái nhìn của Nguyễn Khoa Điềm được nhìn nhận như một phần tâm hồn, máu thịt của nhân dân, là minh chứng thiêng liêng xúc động cho sự đóng góp, hóa thân của nhân dân để làm ra Đất Nước.

“Ôi Đất Nước sau bốn ngàn năm đi đâu ta cũng thấy

Những cuộc đời đã hoá núi sông ta…”

        Cái tài hoa và tinh tế trong ngòi bút của Nguyễn Khoa Điềm là vừa gợi được thời gian lịch sử, vừa gợi được không gian mênh mông. Dường như để từ đó nhà thơ muốn khẳng định, lặng lẽ bền bỉ cùng thời gian, trung hậu kiên cường trong không gian là vời vợi những cuộc đời của nhân dân.

Xem thêm:  Viết đoạn văn cảm nhận khổ 4 bài Viếng lăng Bác ngắn gọn, hay nhất | Myphamthucuc.vn

         Đoạn thơ là niềm xúc động thiêng liêng mà Nguyễn Khoa Điềm gợi nên về sự đóng góp, hóa thân to lớn mà nhân dân góp vào muôn mặt văn hóa, lịch sử, tâm hồn dân tộc. Từ đó, giúp gắn kết tâm hồn con người muôn thế hệ.

Các bài viết liên quan:

Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Học tập