Nội dung bài viết
Bài văn Kể một câu chuyện về lòng trung thực gồm dàn ý chi tiết, 5 bài văn mẫu được tuyển chọn từ các bài văn đạt điểm cao của học sinh trên cả nước giúp bạn đạt điểm cao trong bài viết Tập làm văn lớp 4.
Đề bài: Kể một câu chuyện mà em đã được nghe, được đọc về lòng trung thực.
I. Mở bài:
– Ở phần mở đầu, các em sẽ dẫn dắt tới câu chuyện “Kể về lòng trung thực” mà em định kể hoặc viết trong bài. Ví dụ: em nghe hoặc đọc nó từ đâu (nghe mẹ hoặc bà kể, nghe thầy cô kể lại, hay là mình tự đọc, tự chứng kiến, và tự mình làm,…)
II. Thân bài:
– Ở phần nội dung thân bài, các em sẽ bắt đầu kể chi tiết câu chuyện. Diễn biến câu chuyện đó ra sao. Có phần nào quan trọng nhất, hoặc phần nào em tâm đắc nhất
– Các em nên kể theo từng đoạn nhỏ để người nghe hoặc người đọc dễ nắm bắt về tấm gương lòng trung thực. Và kết thúc của câu chuyện như thế nào.
III. Kết bài:
– Trong phần cuối cùng của bài viết, các em sẽ nêu lên những suy nghĩ, tình cảm của mình về câu chuyện. Về những bài học, đức tính mà em học được qua câu chuyện đó.
Mẹ em là người rất yêu thích thơ văn, mẹ luôn dạy em qua những câu chuyện cổ và cả chuyện đời thường. Có một câu chuyện mẹ kể về lòng trung thực mà em vô cùng thích thú. Đó là xưa có một nhà làm nghề buôn bán, âm mưu chế ra một cái cân cán rỗng, trong đổ thuỷ ngân, hai đầu bịt đồng, không ai biết.
Khi cân hàng bán cho khách thì họ dốc cán cân về phía móc; khi cân hàng mua vào thì lại dốc cán cân về đằng quả.
Do làm ăn điên đảo nên nhà ấy giàu bốc lên nhanh chóng. Đã lắm của lại có hai con trai, mặt mũi khôi ngô, học hành tấn tới. Thiên hạ ai cũng khen là nhà có phúc.
Một hôm, hai vợ chồng bàn với nhau về việc để phúc đức cho con sau này, không nên tiếp tục kéo dài việc làm ăn gian dối, đảo điên nữa.
Bàn xong, hai vợ chồng thuận tình sửa cái lễ sám hối, trên thì cúng Trời, Phật, dưới thì cúng tổ tiên. Rồi đem cái cân ra chẻ. Nhưng ghê thay, khi chẻ ra thì thấy trong cán cân có đọng một cục máu đỏ hon hỏn. Hai vợ chồng nhìn nhau hoảng sợ, từ đó ngày đêm lo làm việc thiện, tu nhân tích đức.
Cách vài năm sau, tự nhiên một đứa con trai lăn ra chết, tiếp đó đứa thứ hai cũng chết nốt. Hai vợ chồng vật vã khóc than, cho rằng mình đã thật bụng cải tà quy chính mà Trời, Phật không chứng quả.
Sau đó, hai vợ chồng cùng mơ thấy có ông Bụt đến bảo cho biết rằng:
– Vợ chồng ngươi hãy lo tu tỉnh làm ăn, đừng vội trách Trời không có mắt. Trước thấy chúng bay làm ăn lừa lọc, Trời đã sai hai con quỷ đầu thai làm con để phá tán cho hết những của phi nghĩa đi. May mà vợ chồng đã sớm hối cải, tu nhân tích đức, nên Trời mới sai bắt hai con quỷ ấy về. Đừng thương tiếc chúng nó làm chi nữa. Vợ chồng cứ chí thú làm ăn rồi Trời sẽ cho hai đứa con khác.
Quả nhiên, về sau vợ chồng nhà ấy đã sinh được hai đứa con trai cũng rất Khoẻ mạnh, khôi ngô và học hành giỏi giang. Họ rất biết ơn Trời Phật và sống yên vui với tuổi già. Em hiểu rằng, khi ta biết sống lương thiện, thật thà thì sẽ gặp được may mắn và bình an. Mẹ em cũng thường dặn bảo em như thế.
Tuần trước, trường em phát động phong trào thi đua học tập và làm theo Năm điều Bác Hồ dạy. Em đã làm được một việc tốt là nhặt được của rơi và trả lại cho người đánh mất.
Hôm đó là chiều thứ năm, như thường lệ, em đi học về, thì vô tình qua một quãng đường vắng gần nhà, em nhìn thấy một túi xách nhỏ màu đỏ nằm giữa đường. Em nhặt lên rồi vừa đi chầm chậm, vừa đưa mắt chú ý xung quanh xem có ai lại hỏi không.
Một lúc lâu sau, vẫn không thấy ai quay lại hỏi. Em đoán người đánh rơi chiếc túi đã đi xa hoặc không biết là mình đánh rơi. Mà nếu biết, chắc giờ này họ đang loay hoay tìm trên những đoạn đường đã qua. Người ấy là ai nhỉ? Em đưa mắt nhìn quanh lần nữa. Những người chạy xe máy hay xe đạp trên đường không một ai chú ý tới em đang ngơ ngác với chiếc cặp trên vai và chiếc túi lạ trên tay.
Em nghĩ ngợi và phân vân mãi, không biết phải làm thế nào. Trả hay không trả? Nếu mình không trả, có ai biết đâu mà trách? Có tiền, mình sẽ mua truyện tranh này, mua áo quần mới này và mua những đồ chơi mà mình ao ước từ lâu. Tưởng tượng đến lúc ấy, em thích lắm, bước chân như nhanh hơn, nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, em chợt nhớ tới lời thầy cô, ba mẹ cũng luôn nhắc nhở em phải biết thật thà, trung thực. Cái gì không phải của mình thì phải đem trả lại cho người khác.
Chủ nhân chiếc túi xách này sẽ mừng biết bao nếu tìm lại được nó. Nhưng ai là người đánh rơi mà trả? Em chợt nhớ mẹ có dặn nếu điều gì mình vô tình
phát hiện mà không biết của ai phải đem nộp cho các chú công an.
Em liền đi thẳng đường đến trụ sở công an xã gần nhà. Thấy em ngập ngừng ở cửa, chú vồn vã hỏi:
– Có chuyện gì đó cháu?
– Dạ thưa chú, cháu nhặt được cái túi xách này. Cháu đem nộp, nhờ chú trả lại cho người mất ạ!
Đỡ chiếc túi từ tay em, chú tươi cười xoa đầu em rồi bảo:
– Cháu ngoan lắm, không tham của rơi! Chú cháu mình xem trong này có những gì để còn ghi vào biên bản nhé !
Rồi chú lấy ra một xấp giấy tờ chủ quyền nhà, chủ quyền xe và hơn hai triệu tiền mặt. Chú ghi rõ từng thứ vào biên bản rồi yêu cầu em ghi tên và địa chỉ xuống phía dưới.
Hành động trả lại cho người đánh rơi của em đã được gửi thư tới trường. Thứ hai tuần sau, em được thầy Hiệu trưởng và cô Tổng phụ trách Đội tuyên dương trong tiết chào cờ. Tiếng vỗ tay nồng nhiệt của toàn trường khiến em vô cùng xúc động.
Bản thân em cảm thấy rất vui mừng và hạnh phúc khi đã làm được điều ý nghĩa. Hơn nữa, ba mẹ em cũng rất tự hào về em. Em hiểu rằng mình cần phải biết trung thực sẽ được nhiều người quý mến.
Trong buổi chào cờ đầu tuần vừa qua, bạn Hoa của lớp 3B đã được tuyên dương trước toàn trường bởi đức tính trung thực của mình thể hiện qua hành động “nhặt được của rơi, trả người đánh mất” của bạn.
Theo như lời của thầy hiệu trưởng kể lại thì ngày thứ Năm của tuần trước, lớp 3B tan học sớm hơn các lớp khác. Và trên đường đi học về, bạn Hoa đã nhặt được một chiếc hộp mà thường được dùng để đựng đồ ở các tiệm vàng bạc, ban đầu bạn chỉ có ý định nhặt chiếc hộp để làm đồ chơi nhưng khi nhặt lên bạn phát hiện ra trong đó có một chiếc dây chuyền.
Vì lúc đó đã khá trưa nên bạn mang chiếc hộp đó về nhà và đến buổi chiều bố Hoa đèo Hoa ra cơ quan công an huyện để nhờ các chú công an tìm giúp người đánh mất. Các chú đều khen Hoa thật thà và trung thực, tin tức nhanh chóng được thông báo và chỉ một ngày sau người đánh rơi chiếc hộp đó đã tìm đến cơ quan công an để nhận lại đồ của mình.
Người đánh rơi là một bác đã khá nhiều tuổi, chiếc dây chuyền là món quà mà bác mua để dành tặng cho cô con gái sắp cưới của bác nhưng bác không cẩn thận nên đã để rơi, tìm lại được chiếc dây chuyền bác rất vui và xin các chú công an số điện thoại và địa chỉ của gia đình bạn Hoa để cảm ơn, bác tìm đến nhà và gửi Hoa một ít tiền để cảm ơn bạn nhưng bạn không nhận không phải vì số tiền mà bác đưa ít mà bạn nói đây là việc cần phải làm của mỗi người.
Và cuối cùng bác đã tìm đến tận trường của Hoa học thông báo cho thầy cô để khen thưởng Hoa về việc làm của mình. Trong buổi chào cờ, Hoa đã được thầy hiệu trưởng tặng giấy khen vì đức tính thật thà, trung thực của bạn ấy, thầy còn nhấn mạnh đây chính là một tấm gương sáng để các bạn học sinh trong trường học tập và noi theo.
Em đã được đọc rất nhiều truyện cổ tích, truyện thiếu nhi…Một câu chuyện mà em nhớ mãi đó là chuyện Ba lưỡi rìu. Câu chuyện nói về lòng trung thực của con người rất đáng ngưỡng mộ.
Đó là anh tiều phu cùng kiệt ở một làng xa xôi nọ. Gia tài của anh chỉ có một chiếc rìu đốn củi để sống qua ngày. Một hôm, anh chặt củi bên bờ sông. Vừa chặt được vài nhát thì rìu gãy cán, văng lưỡi rìu xuống đáy sông. Anh tiều phu buồn rầu than thở:
– Khổ quá! Mình chỉ có mỗi chiếc rìu này, giờ đã mất, biết sống sao đây? Vừa lúc đó, một cụ già râu tóc bạc phơ xuất hiện.
Cụ già bảo:
Thôi, con đừng buồn nữa! Ta sẽ giúp con tìm được chiếc rìu ấy. Nói xong, cụ già nhảy tõm xuống nước. Anh tiều phu chưa hết ngạc nhiên thì cụ già đã ngoi lên mặt nước, tay cầm lưỡi rìu bằng vàng và hỏi:
– Cái này có phải của con không?
Anh tiều phu đáp:
– Không! Thưa cụ, cái rìu vàng này không phải của con.
Cụ già lại lặn xuống nước, sau đó ngoi lên, trong tay cầm lưỡi rìu bằng bạc sáng lóa. Cụ đưa lưỡi rìu lên và nói:
– Cái này chắc là của con rồi!
Anh tiều phu lễ phép thưa:
– Không, cũng không phải của con cụ ạ! Lưỡi rìu của con bằng sắt.
Lần thứ ba, cụ già lại lặn xuống và đem lên một lưỡi rìu bằng sắt cũ kỹ và hỏi:
– Thế còn cái này?
Anh tiều phu kêu lên:
– Cái này mới là rìu của con đấy ạ?
Cụ già tươi cười trao lưỡi rìu cho anh tiều phu. Anh quỳ xuống cảm ơn cụ và đưa hai tay đỡ lấy lưỡi rìu. Cụ già xoa đầu anh và khen:
– Con là người thật thà, trung thực. Con không tham lam những gì không phải của mình. Vì thế ta thưởng cho con chiếc rìu vàng và chiếc rìu bạc kia. Con hãy nhận lấy!
Thế là anh tiều phu cùng kiệt khó nhưng trung thực ấy đã có được hai chiếc rìu quý. Còn cụ già tốt bụng kia chính là ông tiên thường xuống trần gian để thử lòng dạ con người và cứu giúp người cùng kiệt khó.
Mỗi tối trước khi đi ngủ, em đều may mắn được bà kể cho nghe những câu chuyện hay. Nào là câu chuyện cổ tích, chuyện cuộc sống hàng ngày xung quanh em. Nhưng có một lần em ấn tượng nhất, đó là khi bà kể chuyện về Những hạt thóc giống. Câu chuyện là một ví dụ tiêu biểu để kể về tính trung thực đáng quý.
Có một ông vua, đã cao tuổi nhưng lại không có con để nhường ngôi. Vua mong muốn tìm một người đủ tài đức để trao lại ngôi vua của mình để cai trị đất nước. Thế là ông Vua đã quyết định giao cho dân mỗi người một đấu thóc. Vua ra lệnh: “Ai nộp được nhiều thóc nhất sẽ được truyền ngôi báu; ai không có thóc nộp sẽ bị trừng phạt!”.
Thời gian thấm thoát trôi, vụ mùa cũng đến, mọi người thi nhau chở thóc lúa về kinh thành, duy chỉ có một cậu bé đến tay không. Cậu bé kính cẩn quỳ xuống trước mặt vua và tâu xin nhận tội vì thóc mà vua ban cậu gieo không thành.
Mọi người chỉ trỏ bàn tán tại sao cậu bé lại ngu ngốc như thế. Chỉ có vua là cười và nói rằng: “Thóc phát ra đã bị luộc cả rồi, làm sao mà gieo thành mạ được. Những gánh thóc, xe thóc kia đâu phải thu được từ thóc giống của ta!…”.
Cuối cùng, cậu bé đã được nhường lại ngôi vua nhờ lòng trung thực và sự gan dạ đáng quý của mình.
Qua câu chuyện về Những hạt thóc giống, em cảm thấy rất ngưỡng mộ sự trung thực của cậu bé. Cậu sẵn sàng dũng cảm nói ra sự thật, không ngại nguy hiểm, không ngại khó khăn. Cậu dám thừa nhận những lỗi lầm về mình. Bà còn nhắc nhở em rằng, cho đến cùng lòng trung thực sẽ chiến thắng.