Kể lại câu chuyện Lão Hạc bán chó năm 2021


Kể lại câu chuyện Lão Hạc bán chó năm 2021

Bài văn Kể lại câu chuyện Lão Hạc bán chó gồm dàn ý chi tiết, 3 bài văn phân tích mẫu được tuyển chọn từ các bài văn phân tích đạt điểm cao của học sinh trên cả nước giúp bạn đạt điểm cao trong bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn 8.

Đề bài: Nếu em được chứng kiến câu chuyện bán chó của Lão Hạc nói cho ông giáo, em sẽ kể lại như thế nào?

Bài văn mẫu 1

   Ở xóm Giữa của làng Đại Hoàng chỉ có khoảng vài chục nóc nhà. Lão Hạc là hàng xóm của gia đình em và gia đình ông giáo Tri. Ông giáo Tri là người có học, hiểu biết rộng và tử tế nên được dân làng tin cậy. Chiều chiều, lão Hạc thường xách cái vò đất nung sang nhà ông giáo để xin nước giếng. Lần nào ông giáo cũng giữ lão Hạc lại chuyện trò, uống bát nước chè tươi hoặc hút điếu thuốc lào… để cho lão bớt cảm thấy lẻ loi, cô độc. Vợ chết đã lâu, con trai lại đi phu cao su đất đỏ mãi tận Nam Kì, Lão Hạc sống thui thủi một mình trong căn nhà nát chỉ có mỗi chú chó Vàng làm bạn. Lão quý nó như quý con, cho nó ăn bằng bát như người.

   Chiều nay, lão sang chơi sớm hơn mọi khi. Vừa thấy ông giáo, lão báo ngay:

   – Cậu Vàng đi đời rồi, ông giáo ạ!

   Ông giáo ngạc nhiên:

   – Cụ bán nó rồi ư? Sao cụ bảo là…?

   Lão Hạc gật đầu, cố lấy giọng vui vẻ nhưng miệng méo xệch và mắt thì đỏ hoe. Ông giáo nhìn lão ái ngại, lòng đầy thương xót:

   – Thế nó để cho bắt dễ dàng hả cụ? Bất chợt, lão Hạc bật khóc hu hu, khuôn mặt co rúm lại vì đau khổ.

   – Khốn nạn… ông giáo ơi!… Nó có biết gì đâu! Nó thấy tôi gọi thì chạy ngay về, vẫy đuôi mừng. Tôi cho nó ăn cơm. Nó đang ăn thì thằng Mục nấp trong nhà, ngay đằng sau nó, tóm lấy hai cẳng sau dốc ngược lên. Cứ thế là thằng Mục với thằng Xiên, hai thằng chỉ loay hoay một lúc là trói chặt cả bốn chân nó lại. Đấy giờ cu cậu mới biết là cu cậu chết!… Này! ông giáo ạ! Cái giống nó cũng khôn! Nó kêu ư ử và nhìn tôi, như muốn trách tôi rằng: “A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão như thế mà lão đối xử với tôi như thế này à?”. Thì ra tôi già bằng này tuổi đầu rồi mà còn đánh lừa một con chó. Nó không ngờ tôi nỡ tâm lừa nó!

   Ông giáo vỗ an, an ủi lão:

   – Cụ cứ tưởng thế đấy chứ nó chả hiểu gì đâu! Vả lại, ai nuôi chó mà chả để bán hay giết thịt! Ta giết nó chính là hoá kiếp cho nó đấy, hoá kiếp để cho nó làm kiếp khác cụ ạ!

   Lão Hạc cố gượng cười:

   – Ông giáo nói phải! Kiếp con chó là kiếp khổ thì ta hoá kiếp cho nó để nó làm kiếp người, may ra sung sướng hơn một chút… Kiếp người như kiếp tôi đây chẳng hạn!

   Biết lão đang tự mỉa mai, ông giáo nói:

   – Kiếp ai thì cũng thế cả thôi, cụ ạ! Cụ tưởng tôi sung sướng hơn chăng? Thôi, bây giờ có cái này là sung sướng: Cụ ngồi xuống phản chơi, tôi đi luộc mấy củ khoai, nấu ấm nước chè, rồi tôi với cụ vừa ăn khoai, uống nước hút thuốc lào vừa nói chuyện, thế là sướng!

   Vẻ mặt lão Hạc nghiêm trang hẳn:

   – Xin phép ông giáo để cho khi khác! Tôi muốn nhờ ông giáo giúp cho một việc.

   – Việc gì thế cụ?

   – Chuyện là thế này, ông giáo ạ!

   Thế rồi lão Hạc kể lể về anh con trai của lão chỉ vì không có tiền cưới vợ mà phẫn chí bỏ nhà đi phu đồn điền cao su ở tận Nam Kì đã hơn năm nay. Lão nhờ ông giáo trông coi hộ mảnh vườn ba sào để sau này, con trai lão về thì có sẵn đất đấy mà làm ăn. Còn chuyện thứ hai là lão gửi ông giáo giữ hộ ba mươi đồng bạc dành dụm từ việc bán chút hoa lợi còm cõi và tiền vừa bán chó. Lão bảo rằng lão đã già yếu, lại nay ốm mai đau, chẳng biết thế nào. Rủi có nằm xuống thì sẵn số tiền ấy, nhờ ông giáo đứng ra lo liệu cho, thiếu đâu đành trông cậy vào hàng xóm. Lặng nghe lão Hạc nói, ông giáo trầm ngâm suy nghĩ. Lão Hạc vốn là người khái tính, ít chịu phiền ai. Không biết lão có ý định gì mà hôm nay lại nhắc đến những chuyện hệ trọng như thế?! Ông giáo động viên lão Hạc:

Xem thêm:  Dàn ý phân tích bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu năm 2021

   – Gớm, cụ cứ lo xa làm gì cho mệt? Cụ còn khoẻ lắm, chết là chết thế nào? Cụ cứ để tiền mà ăn, khi nào chết hãy hay, tội gì có tiền mà lại chịu nhịn đói?!

   Lão Hạc vẫn năn nỉ:

   – Mong ông giáo thương tình tôi già nua tuổi tác mà nhận cho! Được vậy thì tôi cảm ơn lắm!

   Không thể từ chối, ông giáo đành nhận lời, nhưng vẫn băn khoăn hỏi lại:

   – Có bao nhiêu tiền dành dụm, cụ gửi tôi cả thì từ mai lấy gì mà ăn?

   Lão Hạc xua tay tỏ ý không cần:

   – Ông giáo đừng lo, tôi đã sắp xếp đâu vào đấy cả rồi ạ! Xin phép ông giáo, tôi về!

   – Vâng! Cụ lại nhà!

   Lão Hạc chậm chạp lê từng bước chân ra cổng, ông giáo nhìn theo cái dáng lòng khòng, lam lũ của lão mà động lòng thương. Dạo này, cà làng đói. Có người cả tháng không biết đến hạt cơm, chỉ củ khoai, củ sắn, mớ rau lang, rau má… sống lay lắt qua ngày. Lão Hạc cũng thế, nhưng lão thà nhịn đói chứ nhất quyết không bán mảnh vườn để dành cho con. Lúc bóng lão Hạc đã khuất sau rặng tre đầu ngõ, ông giáo thở dài quay vào nhà, trong tay vẫn giữ chặt chiếc túi nhỏ màu nâu cũ kĩ đựng mấy chục đồng bạc của lão Hạc gửi. Ông giáo lắc đầu, lẩm bẩm một mình: “Rõ khổ!”.

   Chứng kiến đầu đuôi câu chuyện, trong lòng em trào lên tình cảm xót xa và mến phục. Cuộc sống của lão Hạc chẳng có gì vui. Cái nghèo đeo đẳng làm khổ lão suốt đời. Ông lão già nua, ốm yếu ấy sống âm thầm, lặng lẽ trong sự chờ đợi mỏi mòn đứa con trai yêu quý của mình. Ngày trở về của anh ấy chắc còn xa lắm, mà lão Hạc thì như ngọn đèn lắt lay trước gió. Tình thương và đức hi sinh của ông lão thật đáng cảm phục và bi kịch của cuộc đời ông lão khiến cho chúng ta rơi nước mắt.

   Số phận bi đát của lão Hạc cũng là số phận chung của nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám, khi chưa được Đảng giác ngộ và dẫn dắt vào con đường đấu tranh giải phóng khỏi ách nô lệ của chế độ thực dân, phong kiến vạn ác.

Bài văn mẫu 2

   Trời đã thủng buổi, mặt trời chói chang len qua những bóng lá rọi xuống khung cửa nan nhà. Tôi đang lụi cụi nấu ăn dưới bếp, than khói lửa hồng bốc lên dưới cái nắng ban trưa thật khiến người ta dễ bực mình. Ông nhà đang ngồi đọc mấy quyển văn của trò ông ấy, rồi cứ luôn tay phe phẩy cái quạt mo. Cơm nước đã xong đấy, toan dọn mâm lên ăn, thì bỗng nhiên, lão Hạc bước từ cửa vào. Lão hạc là hàng xóm của nhà tôi, nhà lão nghèo lắm, vợ mất, con trai vì không lấy được vợ nên bỏ đi làm ăn, để mình thân già lão ở nhà. Lão với ông nhà tôi thân nhau lắm, tuy tuổi tác chênh lệch, nhưng hai người cứ trò chuyện thì lại rôm rả, như hai người bạn tri kỉ với nhau vậy.

   Lão Hạc cứ chệnh choạng , mặt cúi gắm xuống, lưỡng lự trước cửa một lúc rồi bước vào nhà. Ông nhà tôi kêu lên: Cụ đến chơi ạ” Lão Hạc không đáp lại. Lão đi từ từ, chậm rãi vào gian chính. Bực mình thật, đúng lúc người ta ăn cơm thì lại mò đến- Tôi tự nhủ một cách trách móc lão Hạc. Lạ thật! Lão ngồi phịch xuống tấm phản, không nói không rằng, cứ cúi gằm cái mặt xuống. Chồng tôi cũng thấy lạ lắm, nhưng cũng giữ phép lịch sự, rót chén nước chè mời lão. Lão Hạc đưa hai bàn tay run run đỡ lấy chén trà chồng tôi đưa, đưa lên môi nhấp nhẹ rồi lại đặt xuống. Đến giờ lão vẫn chưa mở lời. Rồi cái vẻ yên lặng ấy cứ diễn ra một lúc, chồng tôi nhìn lão một cách kì lạ, không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Cuối cùng thì, có lẽ là lão đã sẵn sàng để nói chuyện- lão ngẩng khuôn mặt lão lên, khuôn mặt nhăn nheo, rám nắng, dưới khóe mắt vẫn thâm quầng- và mở chuyện:

Xem thêm:  Các dạng đề bài Tràng Giang chọn lọc

   – Cậu Vàng đi đời rồi ông giáo ạ!

   – Cụ bán nó rồi?- chồng tôi đáp một cách ngạc nhiên

   – Bán rồi! Họ vừa bắt nó xong.

   Lão kể với giọng khàn khàn, khiến tôi nghe chữ được chữ không. Lão mỉm cười. Nhưng lão cười lạ lắm, miệng lão cười nhưng mà môi cứ giật giật, cả người lão run lên. Lão cười mà như mếu vậy. Có lẽ tâm trạng lão không vui như lão cố tỏ ra cho chồng tôi thấy- và chồng tôi cũng nhận ra điều đó. Ông hỏi:

   – Thế nó cho bắt à!

   Vẻ mặt lão thoáng thay đổi, mắt lão nhắm nghiền lại, khuôn miệng cười lúc nãy đã biến mất. Rồi từ hai khóe mắt chảy ra giọt nước mắt, nó chảy dài trên khuôn mặt xương xương của lão. Những nếp nhăn trên khuôn mặt lão co lại, lão khóc mỗi lúc một nhiều, hàng nước mắt cứ tuôn mãi. Tôi ngạc nhiên, từ xưa đến nay lão có bao giờ thế đâu. Mà lão Hạc đã già, có lẽ lên chức ông chức cụ rồi, vậy mà lão lại hu hu khóc chẳng khác gì một đứa con nít. Mặt ông nhà tôi cũng biến dạng theo.

   Lão Hạc kể lại chuyện bán chó mà tiếng khóc cứ ngân dài theo từng lời nói, trông đến là tội nghiệp.

   – Khốn nạn… Ông giáo ơi! – Lão òa lên- Nó có biết gì đâu! Nó thấy tôi gọi thì chạy ngay về, vẫy đuôi mừng. Tôi cho nó ăn cơm, nó ăn ngon lành, bởi vì tôi cho nó toàn món ngon, bữa cuối cùng của nó mà. Thế rồi, lúc nó đang hoan hỉ, thì bỗng thằng Mục với thằng Xiên nấp ngay sau nó nhảy ra, tóm gọn nó. Cu cậu trông béo tốt thế mà lại nhát, thế nên chẳng bao lâu nó đã bị trói gọn cả bốn cẳng lại rồi. Bấy giờ cu cậu mới biết cu cậu chết. Mà cái giống nó khôn lắm! Nó nhìn tôi in như nó trách tôi. Nhìn ánh mắt nó, chắc nó đang thầm bảo rằng: “ A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão thế mà lão lại đối xử với tôi như thế à? Tôi già từng này tuổi đầu rồi mà lại phải lừa một con chó ông giáo ạ.

   Nói đến đây, lão Hạc tự đấm thùm thụp vào ngực mình, bởi vì có lẽ lão sẽ không bao giờ có thể tự tha thứ cho mình được. Lão cứ rên rỉ, trách móc mình mãi, kèm theo là những cái cào xé, lão đang dằn vặt nỗi lòng của mình, đến nỗi mà chồng tôi phải ngăn lão lại thì lão mới dừng. Ông an ủi lão Hạc

   – Thôi cụ ạ! Nó không hiểu gì đâu! Mà chó nào nuôi mà chẳng để giết thịt! Ta bán nó đi chính là hóa kiếp cho nó đấy.

   Nghe xong câu này của chồng tôi, lão Hạc ngẩng mặt lên trời, lão vẫn khóc, nhưng lão vừa khóc vừa cười, giọng cười chua chát và cay đắng. Lão nhắm nghiền mắt lại cố ngăn cho dòng nước mắt không tuôn nữa, rồi bảo rằng lão mong là con chó sẽ thành kiếp người, như lão chẳng hạn. Tôi để ý thấy chồng tôi cũng đau buồn theo lão, nước mắt đã rơi, nhưng ông không muốn lão Hạc càng thêm buồn nên cố nẹn lại, và nghiến răng để không òa khóc theo lão. Ông nắm lấy đôi vai gầy gọc của lão Hạc an ủi lão. Cái cảnh tượng thật não nề.

Bài văn mẫu 3

   Tôi choàng tỉnh giấc, dậy từ khi mặt trời còn chưa treo ngọn tre. Đó là một thói quen bình thường của người làm nghề nông. Cả cái làng Vũ Đại này, có ai không làm nghề nông chỉ trừ ông Bình giáo ra. Ông ấy là người học rộng lại hiểu sâu, chính vì vậy mà tôi định đến nhà ông giáo để viết một số giấy tờ nhà đất.

   Con đường làng dài và hẹp. Gió thổi vi vu khiến cho những rặng tre xào xạc, đung đưa. Quanh nhà ông giáo, những hàng râm bụt lá vàng úa vẫn còn tồn tại sau trận bão khủng khiếp. Vừa thấy tôi, ông giáo liền nói: “Chào bác”. Tôi đáp lại:

Xem thêm:  Truyện ngắn Làng gợi cho em những suy nghĩ gì về những chuyển biến mới trong tình cảm năm 2023

   – Vâng, chào anh! Hôm nay tôi sang đây là muốn nhờ anh viết một số giấy tờ đất đai!

   – Vậy mời bác vào nhà nhà xơi nước cái đã!

   Ông giáo mời tôi ngồi trước thềm nhà, chúng tôi đang bàn bạc thì bỗng đâu có tiếng nói hớt hải vọng tới: Cậu Vàng đi đời rồi ông giáo ạ!

   A! Thì ra là lão Hạc, lão mặc bộ quần áo xộc xệch, đầu tóc rồi bù trông có vẻ kham khổ lắm. Lão là người hàng xóm của tôi. Vợ lão chết, con lão thì đi làm đồn điền cao su không biết khi nào về. Lão cứ sống như vậy cô đơn, thui thủi một mình ngày này qua ngày khác. Nhưng có điều khiến tôi thấy rất lạ. Hôm trước, tôi còn sang xin nhà lão mấy củ gừng về pha nước thì thấy lão cưng nựng con chó lắm kia mà; một điều “cậu” này, hai điều “cậu” nọ. Khi ăn thỉnh thoảng lão còn gắp thức ăn cho con chó của lão. Vậy mà giờ lại phải bán nó đi sao? Ông giáo hỏi:

   – Thế nó cho bắt à?

   Lúc bấy giờ thì mắt lão Hạc đã ầng ậc nước. Những nếp nhăn xô vào với nhau, ép cho nước mắt chảy ra, trông lão giờ già đi đến hơn chục tuổi.

   – Khốn nạn! Nó có biết gì đâu ông giáo ơi! Nó thấy tôi gọi thì chạy ra. Cùng lúc đó thì chúng nó tóm gọn con chó rồi lôi đi xềnh xệch.

   Tôi bắt đầu hiểu ra câu chuyện của lão Hạc và mường tượng cảnh thằng Mục, thằng Xiên dốc ngược con chó lên, trói chân, trói tay nó lại rồi mang đi. Lão Hạc mếu máo nói:

   – Lúc đấy thì cu cậu mới biết là cu cậu chết! Mắt nó long sòng sọc rồi dại đi. Nó cứ ăng ẳng nhìn tôi như thể nó nói: A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão thế nào mà giờ lão xử tôi như vậy hả.

   – Cụ cứ khéo tưởng tượng đấy chứ nó có biết gì đâu. Vả lại! Ai nuôi chó mà chẳng để giết thịt. Ta giết nó chính là hóa kiếp cho nó đấy chứ! – Ông giáo nói.

   Lão Hạc chua chát bảo:

   – Ông giáo nói phải! Ta hóa kiếp cho nó để nó được đầu thai thành kiếp khác may ra có là kiếp người. Như ông với tôi chẳng hạn!

   Tôi nghe mà không kìm được nước mắt. Tôi cảm thấy đau khổ và xót thương cho lão Hạc quá! Lão chỉ có mỗi con chó để bầu bạn hằng đêm. Có con chó đó cũng đỡ buồn và bù đắp được cho sự thiếu thốn tình cảm của lão. Vậy mà giờ lão phải bán nó đi để lấy tiền để dành cho con sao! Lão Hạc quả là một con người tốt và có tình thương yêu con sâu sắc mà hiếm ai có được.

   Ông giáo nói:

   – Không có kiếp gì là sướng cả! Để tôi vào nhà pha ấm nước chè rồi ba ông con mình vừa rít thuốc lào vừa uống, thế là sướng!

   – Ông giáo dạy phải! Nhưng giờ tôi có việc gấp phải đi bây giờ ông giáo ạ!

   – Còn sớm mà, cụ hẵng ở lại chơi với chúng tôi cái đã!

   – Ông giáo cho tôi xin khất chứ hôm nay thì nhất quyết không được.

   Vậy là lão Hạc lại loạng choạng ra về trong sự ái ngại của tôi và ông giáo. Thuốc lào đã được vo viên mà không ai thèm đụng đến. Tôi nghĩ đến lão Hạc, một con người đầy tình thương và giàu lòng tự trọng. Một người vì con mà sẵn sàng bán đi thứ yêu quý nhất, kỷ vật của mình. Một người mà đã mếu máo, khóc hu hu như trẻ con vì nỡ lừa một con chó. Một người đáng kính như vậy mà phải sống khổ, sống sở như vậy sao? Cuộc đời thật bất công đối với những con người tốt, chỉ toàn khổ đau, bất hạnh. Tôi từ biệt ông giáo đi về mà lòng đau như cắt.

   Tôi, ông giáo và lão Hạc, những người nông dân nghèo khổ, bị xã hội dồn đến đường cùng mà vẫn phải sống, vẫn phải tồn tại trên cái thế giới này. Cảm ơn lão Hạc, lão đã cho tôi hiểu được tình thương và lòng tự trọng quý giá của một con người. Tôi sẽ mãi khắc sâu bài học này trong tâm can và ý chí của mình đến cuối đời!

Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Văn mẫu