/tmp/ngdrc.jpg
Hướng dẫn lập dàn ý Dàn ý phân tích 8 câu thơ đầu trong bài Việt Bắc ngắn gọn, chi tiết, hay nhất. Với các bài dàn ý và văn mẫu được tổng hợp và biên soạn dưới đây, các em sẽ có thêm nhiều tài liệu hữu ích phục vụ cho việc học môn văn. Cùng tham khảo nhé!
Mở Bài
– Giới thiệu khái quát về tác giả Tố Hữu và tác phẩm Việt Bắc.
– Giới thiệu nhận định cần chứng minh
Thân Bài
a. Giải thích ý kiến đánh giá
– Giọng thơ tâm tình ngọt ngào.
– Nghệ thuật biểu hiện giàu tính dân tộc.
– Dù viết về đề tài chính trị gắn với sự kiện lịch sử tháng 10 năm 1954 nhưng bài thơ Việt Bắc nói chung và tám câu thơ đầu tiên vẫn hiện lên chất chứa cảm xúc của sự ngọt ngào, tha thiết.
b. Phân tích, bình luận về giọng thơ tâm tình ngọt ngào, tha thiết và nghệ thuật biểu hiện giàu tính dân tộc trong 8 câu thơ đầu
– Bốn câu thơ đầu: là lời của những người ở lại – nhân dân Việt Bắc.
+ Điệp cấu trúc câu: “Mình về mình có nhớ ta?”, “Mình về mình có nhớ không?”.
+ Sự láy đi láy lại của câu hỏi tu từ đã xoáy sâu vào nỗi nhớ và sự day dứt khôn nguôi.
+ “Mười lăm năm ấy” gợi tháng ngày đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi.
+ Những hình ảnh “cây”, “núi”, “sông”, “nguồn” quen thuộc gợi nhắc lối sống ân nghĩa thủy chung.
→ Giọng điệu tâm tình, thủ thỉ tràn đầy cảm xúc bâng khuâng, xao xuyến của đồng bào Việt Bắc.
– Bốn câu thơ sau là lời của người đi – các cán bộ chiến sĩ cách mạng.
+ Đại từ “ai” ngân vang cùng sự “tha thiết” đã nhấn mạnh vào tình cảm, cảm xúc đặc biệt.
+ Những tính từ miêu tả cảm xúc như “bâng khuâng”, “bồn chồn”.
+ Tất cả mọi cảm xúc dường như nén lại: “Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”.
– Giọng điệu tâm tình được tạo nên bởi nghệ thuật biểu hiện giàu tính dân tộc
+ Sử dụng nhuần nhuyễn, sáng tạo và linh hoạt thể thơ lục bát – thể thơ dân tộc.
+ Kết cấu bài thơ được kiến tạo theo lối đối đáp giao duyên qua cặp đại từ “mình – ta”
c. Đánh giá về giọng thơ và nghệ thuật trong thơ Tố Hữu
– Giọng thơ tâm tình ngọt ngào, tha thiết quyện hòa và gắn bó chặt chẽ với nghệ thuật biểu hiện giàu tính dân tộc.
– Góp phần thể hiện đặc trưng trữ tình – chính trị trong phong cách thơ Tố Hữu.
– Tạo nên giá trị đặc sắc của tác phẩm Việt Bắc.
Kết Bài
Đánh giá về tính trữ tình – chính trị trong thơ Tố Hữu
MỞ BÀI
Tố Hữu là nhà chính trị, là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam. Thơ Tố Hữ thể hiện lẽ sống lớn, tình cảm lớn của con người Cách mạng. Thơ ông đậm đà tính dân tộc trong nội dung và hình thức thể hiện. Bài thơ “Việt Bắc” là đỉnh cao của thơ Tố Hữu và cũng là đỉnh cao của thơ ca kháng chiến chống Pháp. Bài thơ Việt Bắc có nhiều đoạn thơ hay mà tiêu biểu là đoạn thơ sau:
“Mình về mình có nhớ ta
…
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”
THÂN BÀI
1. Khái quát:
– Việt Bắc là khu căn cứ địa kháng chiến được thành lập từ năm 1940, gồm sáu tỉnh viết tắt là “Cao – Bắc – Lạng – Thái – Tuyên – Hà”. Nơi đây, cán bộ chiến sĩ và nhân dân Việt Bắc đã có mười lăm năm gắn bó keo sơn, nghĩa tình (1940 – 1954).
– Sau hiệp định Giơnevơ, tháng 10.1954, Trung ương Đảng và cán bộ rời Việt Bắc. Buổi chia tay lịch sử ấy đã trở thành niềm cảm hứng cho Tố Hữu sáng tác bài thơ “Việt Bắc”. Trải dài khắp bài thơ là niềm thương nỗi nhớ về những kỷ niệm kháng chiến gian khổ nhưng nghĩa tình.
2. Nội dung cảm nhận
a. Bốn câu thơ mở đầu là lời của Việt Bắc hỏi người ra đi, khơi gợi kỷ niệm về một giai đoạn đã qua, về không gian nguồn cội, nghĩa tình.
– Mở đầu là câu hỏi tu từ. Trong câu hỏi này, “Mình” là chỉ người ra đi, “Ta” là chỉ người ở lại.
+ “Mười lăm năm ấy” là trạng ngữ chỉ thời gian, đó là thời gian chỉ độ dài gắn bó nhớ thương vô vàn giữa người đi kẻ ở. Bốn chữ “thiết tha mặn nồng” đã cho thấy tình cảm giữa Việt Bắc và người cán bộ thật thủy chung sâu nặng, keo sơn bền chặt.
– Hai câu sau là lời nhắc nhở chân tình, lời dặn dò kín đáo mà rất đỗi thiết tha. Câu thơ có hai hình ảnh “núi” và “nguồn” là sự vận dụng rất linh hoạt và tài tình của Tố Hữu với câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn”. Đó là lời nhắc nhở, dặn dò kín đáo rất đỗi chân thành: Việt Bắc là cội nguồn Cách mạng, là trung tâm đầu não của cuộc kháng chiến. Xin người về đừng quên cội quên.
b. Bốn câu thơ tiếp theo là tiếng lòng của người về xuôi mang bao nỗi nhớ thương, bịn rịn:
– “Bâng khuâng” có nghĩa là nhớ nhung, luyến tiếc, buồn vui lẫn lộn (buồn vì phải xa VB, vui vì được trở lại quê hương của mình) mà buồn nhiều hơn vui. “Bồn chồn” là từ láy diễn tả tâm trạng cảm xúc day dứt, hồi hộp, nôn nao trong lòng khiến cho bước chân đi cũng ngập ngừng, bịn rịn không muốn chia xa .
– Buổi chia tay ấy có hình ảnh “Áo chàm đưa buổi phân ly”. “Áo chàm” là màu áo nghèo khổ, bình dị của người dân Việt Bắc, là hình ảnh hoán dụ để chỉ con người Việt Bắc. Đó là những con người nghèo khổ “hắt hiu lau xám” nhưng luôn “đậm đà lòng son” thủy chung, mặn nồng.
– Câu thơ “Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay” đầy tính chất biểu cảm. “Biết nói gì hôm nay…” không phải là không có gì để nói. Không nói được vì xúc động nghẹn ngào không thốt được nên lời. Những lời không nói ấy có lẽ đã nằm hết trong ba chữ “Cầm tay nhau”. “Cầm tay” là biểu tượng của tình yêu thương đoàn kết. “Cầm tay” là đã đủ nói lên bao cảm xúc trong lòng rồi. Mặt khác, ba dấu chấm lửng đặt ở cuối câu như càng tăng thêm cái tình cảm mặn nồng ấy. Nó giống như nốt lặng trong một khuôn nhạc mà ở đó tình cảm cứ ngân dài sâu lắng.
3. Nghệ thuật: Thể thơ lục bát đậm đà bản sắc dân tộc. Lối hát đối đáp tạo ra giai điệu phong phú cho bài thơ. Nhiều biện pháp tu từ được tác giả vận dụng khéo léo (Hoán dụ, câu hỏi tu từ). Ngôn ngữ trong sáng, nhuần nhị, và có nhiều nét cách tân (đặc biệt là hai đại từ Ta – Mình)
KẾT BÀI
– Đánh giá chung.
Tố Hữu là nhà thơ trữ tình chính trị, tiêu biểu cho thơ ca cách mạng Việt Nam. Thơ Tố Hữu thể hiện lẽ sống lớn, tình cảm lớn của con người Cách mạng. Thơ ông đậm đà tính dân tộc trong nội dung và hình thức thể hiện. Bài thơ “Việt Bắc” là đỉnh cao của thơ Tố Hữu và cũng là đỉnh cao của thơ ca kháng chiến chống Pháp. “Việt Bắc” là một trong những bài thơ được xếp vào hạng những bài thơ “tống biệt” của Tố Hữu. Mặc dù là đề tài cũ, nhưng bài thơ vẫn mới mẻ bởi “Việt Bắc” ra đời trong cuộc chia tay đặc biệt giữa nhân dân Việt Bắc và cán bộ kháng chiến vào tháng 10/1954. Ra đời trong hoàn cảnh ấy, bài thơ không mang cảnh trạng của một cuộc chia ly với nỗi buồn đầy nước mắt, mà là nỗi niềm chia ly trong tình cảm giữa cán bộ và nhân dân sâu đậm ân tình. Đoạn thơ mở đầu của bài thơ là sự thể hiện tinh tế và sâu sắc những rung động trong trái tim của người đi và người ở trong giờ phút phân li:
– Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?
– Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…
Bốn câu thơ đầu là lời của người ở lại nói với người ra đi:
– Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?
Tác giả mở đầu bằng một câu hỏi mang âm hưởng ca dao, tình yêu: “Mình về mình có nhớ ta”. “Mình về” là hoàn cảnh để người ở lại bộc lộ nỗi niềm. “Về” gợi đến sự chia li, đó là sự chia li của người ra đi và người ở lại. Về mặt kết cấu câu thơ thì “mình” đứng ở đầu câu, còn “ta” đứng ở cuối câu thơ. Nó gợi lên cái khoảng cách giữa “ta” và “mình”. Nỗi niềm gợi lên qua câu hỏi ấy của người ở lại là nỗi nhớ, tình cảm của người ở lại hướng tới người ra đi. Đứng giữa câu thơ là một từ “nhớ”, nó làm cho “mình” và “ta” dường như được xích lại gần nhau hơn. Cơ sở tạo nên nỗi nhớ ấy là: “Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng”. Câu thơ phảng phất âm hưởng của thơ Kiều, nhưng từ âm hưởng đó lại vang lên nỗi niềm tình cảm của những con người trong một thời kháng chiến. “Mười lăm năm ấy” gợi đến một quãng thời gian khó khăn, một thời đau thương, mất mát. Tuy vậy, dường như tất cả mất mát đau thương ấy chìm đi, đọng lại trong câu thơ chỉ còn là tình cảm “thiết tha mặn nồng”. Đó chính là sự gắn bó thân thiết, tình cảm chia bùi sẻ ngọt trong “mười lăm năm ấy” giữa “ta” và “mình”. Bởi vậy, hỏi nhưng cũng chính là để bộc lộ tình cảm và hỏi chính là thể hiện mong muốn người ra đi cũng có tình cảm như chính mình.
Đến câu thơ thứ ba cũng là một câu hỏi. Câu hỏi: “Mình về mình có nhớ không” cũng có sự lặp lại gần giống câu thơ đầu. Tuy vậy, đối tượng hỏi không chỉ còn bó hẹp trong mối quan hệ giữa “ta – mình” và nỗi nhớ dường như không còn chỉ hướng tới “ta”, mà nỗi nhớ đó đã hướng vào đối tượng rộng lớn hơn rất nhiều, đó chính là không gian “núi rừng” và “sông nguồn”. Câu hỏi gợi về không gian có “núi”, có “nguồn” ở núi rừng Việt Bắc. Đây chính là không gian quen thuộc gắn với người ở lại và cũng gắn bó với cả người ra đi. Không gian đó với người ra đi và người ở lại không còn là không gian vô hồn, vô cảm mà là không gian chứa đầy kỉ niệm, nó góp phần tạo nên tình cảm cho người ra đi. Ở trong câu thơ xuất hiện nhiều lần hai động từ chỉ hành động “nhìn” và “nhớ”. Một hành động tác động vào thị giác, một hành động tác động vào tâm tưởng; một hành động hướng tới hiện tại, một hành động hướng về quá khứ. Sự đan xen giữa các hành động đó mà người ở lại đưa ra là để muốn nhắc nhở người ra đi sống ở hiện tại đừng quên về quá khứ, sống ở miền xuôi đừng quên miền ngược, đừng quên về những kỉ niệm của một thời đã qua. Đó chính là mong muốn của người ở lại nhắn nhủ tới người ra đi. Trước khi mong muốn người ra đi để nhớ thì người ở lại đã thể hiện nỗi nhớ của mình. Nỗi nhớ đó biểu đạt trực tiếp qua động từ “nhớ” xuất hiện nhiều lần ở khổ thơ, càng về cuối thì từ “nhớ” xuất hiện càng nhiều đã thể hiện cường độ nhớ ngày một tăng và nó đã tạo nên âm hưởng chủ đạo cho bài thơ. Đó là âm hưởng nhớ thương, ân tình tha thiết.
Bốn câu thơ đầu chỉ với hai câu hỏi, nhưng chủ yếu là để giãi bày tình cảm và để mong muốn người ra đi cũng có tình cảm như chính mình, bởi giữa hai đối tượng đó có sự gắn bó khăng khít trong một thời kháng chiến và một vùng kháng chiến. Để rồi từ đó, người ra đi đáp lại người ở lại bằng bốn câu thơ:
Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…
Người ở lại đặt ra câu hỏi nhưng người ra đi không trực tiếp trả lời câu hỏi đó mà thay vào đó người ra đi thể hiện tình cảm lưu luyến, bịn rịn trong buổi chia tay. Ấn tượng ban đầu đã tác động đến người ra đi: “Tiếng ai tha thiết bên cồn”. “Ai” là đại từ không xác định. “Ai” có thể là nhân vật đang xuất hiện trước mắt người ra đi, quen thuộc với người ra đi – một con người cụ thể xuất hiện “bên cồn” trong buổi chia li. “Ai” có thể là bất cứ người dân Việt Bắc đã cùng sống, cùng làm việc, cùng sinh hoạt với người ra đi. Dù hiểu theo cách nào thì ấn tượng tác động đến người ra đi là âm thanh tiếng nói tha thiết – đó chính là âm thanh rất đỗi ngọt ngào, thiết tha, sâu lắng. Và âm thanh đó dường như gọi về biết bao kỉ niệm, biết bao buổi trò chuyện tâm tình và âm thanh đó gọi về mối tình keo sơn gắn bó thân thiết giữa người ở lại với người ra đi. Chính âm thanh đó đã khiến cho người ra đi “Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi”. Câu thơ ngắt nhịp 4/4 với hai vế tiểu đối trong tương quan đối lập giữa bên trong và bên ngoài. “Trong dạ” thì “bâng khuâng” còn hành động bên ngoài biểu hiện sự “bồn chồn” thấp thỏm của người ra đi, nhưng lại có sự tương đồng trong cảm xúc và hành động. Chính vì cảm xúc “bâng khuâng” thì mới có hành động “bồn chồn” đó được.
Trong cảm nhận của người ra đi, một hình ảnh bình dị, quen thuộc thường xuất hiện trong cuộc sống đời thường đó là hình ảnh “áo chàm”. Hơn thế nữa chiếc “áo chàm” gợi đến sắc màu bền bỉ khó phai. Tác giả sử dụng hình ảnh hoán dụ “áo chàm” để chỉ người dân Việt Bắc và bởi vậy nói “áo chàm đưa buổi phân li” là nói về cuộc chia tay đầy lưu luyến giữa người Việt Bắc với người cách mạng. Mượn hình ảnh “áo chàm” dường như tác giả muốn nói đến tình cảm thủy chung sắt son khó phai mờ của người dân Việt Bắc với người chiến sĩ cách mạng. Và ấn tượng đậm nét nhất với người ra đi chính là hành động “Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…”. Trước tiên là hành động “cầm tay nhau” là hành động quen thuộc và rất đẹp của những ai khi chia li, nó thể hiện tình cảm gắn bó thân thiết và đồng thời thể hiện sự lưu luyến giữa kẻ ở người đi. Họ cầm tay nhau trong tâm trạng nghẹn ngào, vì thế không nói lên lời. Dấu ba chấm xuất hiện cuối dòng thơ như nốt nặng không lời, nhưng chính nó lại quý giá hơn rất nhiều những lời nói thường ngày bởi cái cầm tay đã nói lên tất cả những lưu luyến, bịn rịn. Câu thơ kết lại đoạn thơ có nhịp thơ thay đổi khác thường. Sự thay đổi của nhịp thơ không chỉ tạo nên sự ngập ngừng cho giọng điệu của câu thơ mà còn tạo nên cái ngập ngừng của tình cảm. Và đồng thời sự khác lạ trong nhịp thơ ấy đã diễn tả sự khác lạ trong diễn biến tình cảm của kẻ ở người đi.
—/—
Như vậy, Top lời giải đã vừa cung cấp những dàn ý cơ bản cũng như một số bài văn mẫu hay Dàn ý phân tích 8 câu thơ đầu trong bài Việt Bắc để các em tham khảo và có thể tự viết được một bài văn mẫu hoàn chỉnh. Chúc các em học tốt môn Ngữ Văn !