Dẫn chứng về lòng dũng cảm trong cuộc sống | Myphamthucuc.vn

Thế nào là lòng dũng cảm? Các biểu hiện của lòng dũng cảm trong cuộc sống là gì? Hãy cùng Top lời giải đi tìm hiểu về khái niệm và các Dẫn chứng về lòng dũng cảm qua các bài văn mẫu sưu tầm cực kì đặc sắc sau đây.

Khái niệm lòng dũng cảm

      “Dũng cảm” là “cho dù chúng ta phải đối mặt với vô vàn khó khăn, gian truân vất vả đến nhường nào, chúng ta vẫn dám đối mặt với nó”, không chùn bước và có tinh thần vô tư lạc quan để vượt qua mọi phong ba bão táp của cuộc sống

      Dũng cảm  dám đối diện với chính bản thân mình, làm những việc mà những người khác không bao giờ dám làm, coi đó chỉ đơn giản là những thử thách của bản thân. Cho nên dũng cảm là một đức tính cực kỳ quan trọng trong cuộc sống.

Dẫn chứng về lòng dũng cảm – Bài mẫu 1

      Trong cuộc sống, con người ta luôn cần ý chí để vượt qua mọi gian nan, cách trở, nhưng trước khi có được ý chí ấy, thì không thể không cần đến lòng dũng cảm đối diện với chúng. Lòng dũng cảm – một điều rất quan trọng mà mỗi người cần và nên có. Lòng dũng cảm là sự can đảm, không run sợ, nản chí trước bất kỳ một điều gì, dù có khó khăn vẫn giữ được cho mình sự bình tĩnh, tự tin.

      Vậy tại sao nó lại quan trọng đến vậy? Ta không thể tránh khỏi có những lúc gặp phải thất bại khiến ta gần như tuyệt vọng, thế nhưng nếu cứ để cho nỗi tuyệt vọng ăn mòn đi chính khả năng của bạn thì vĩnh viễn bạn sẽ chẳng thể nào thành công, điều cần thiết nhất khi ấy là cần biết đứng dậy, nhìn nhận ra lỗi sai của bản thân, can đảm mà bước tiếp bằng những kinh nghiệm đã rút ra được, rồi một lần, hai lần, ban lần, nhiều lần như vậy, bạn chắc chắn sẽ đạt được điều mà mình mong muốn. Đó chính là lòng dũng cảm dám đối diện với khó khăn và lỗi lầm của bản thân mình. Bên cạnh đó, khi mọi thứ dường như quá sức hoặc ngoài tầm tay của ta thì lòng dũng cảm sẽ giúp đơn giản hóa mọi chuyện, cho ta bản lĩnh, sự tự tin, kiên cường để đối diện với mọi điều đang chờ ở phía trước.

      Người có lòng dũng cảm sẽ dám đương đầu, dám dấn thân, còn kẻ yếu đuối sẽ chẳng bao giờ đi đến được cái đích của mình. “Bạn không thể yếu đuối trên con đường theo đuổi giấc mơ. Hãy dám vượt qua các rào chắn để tìm con đường của riêng mình.” (Les Brown). Nếu không có lòng dũng cảm, bạn chắc chắn sẽ bị bỏ lại ở phía sau, đó là lý do vì sao có rất nhiều những tấm gương sáng về lòng dũng cảm đã dám đương đầu để đạt được những điều tốt đẹp.

      Thế hệ ông cha ta ngày trước là biểu tượng sáng ngời cho lòng dũng cảm, kiên cường chống lại kẻ thù xâm lược để bảo vệ đất nước, không ngại đổ máu, hy sinh. Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành một phần nhờ có lòng dũng cảm đã sẵn sàng ra đi tìm đường cứu nước cho dân tộc, Trên thế giới, Thomas Edison có lẽ sẽ chẳng thể phát minh ra điện, một bước tiến trong lịch sử phát triển của nhân loại nếu không có sự dũng cảm đối mặt với bao khó khăn, thất bại trong quá trình nghiên cứu. Vậy nên, có thể thấy, dũng cảm sẽ đem lại cho ta bản lĩnh để làm nên những kỳ tích, những điều kỳ diệu, tốt đẹp trong cuộc sống, nó giúp ta nhìn nhận được bản thân mình và tôi luyện ý chí để vượt qua khó khăn, thử thách.

      Mỗi người chúng ta, cần biết rèn luyện cho mình một lòng dũng cảm vì nó rất cần thiết với mỗi người, trước hết hãy học cách dũng cảm với bản thân mình, đừng bao giờ sợ hãi hay tự ti về bất kỳ một khiếm khuyết nào mà tự tìm ra điểm yếu để sửa chữa và hoàn thiện, có như thế, con người ta mới có một bản lĩnh kiên cường, vững vàng. Có lòng dũng cảm, đó sẽ là ngọn đèn soi sáng mọi con đường tối tăm trong cuộc sống của mỗi người.

Dẫn chứng về lòng dũng cảm – Bài mẫu 2

      Mấy tháng trước, đài báo đưa tin về một anh thanh niên tay không săn bắt cướp ở Thành phố Hồ Chí Minh mà không cần gia nhập một tổ chức công an hay dân phòng nào, cũng không phải để lấy thù lao hay ơn huệ. Hằng ngày, chúng ta nghe biết được có những bạn trẻ nhảy xuống sông cứu người sắp chết đuối, có những tình nguyện viên không quản ngại gian khổ nguy hiểm đến với các bệnh nhân trại phong, vào các bệnh viện truyền nhiễm hoặc đến với đồng bào dân tộc miền núi cần sự giúp đỡ. Và chúng ta gọi họ là những người có lòng dũng cảm.

      Vậy thế nào là lòng dũng cảm? Tại sao từ xưa đến nay con người luôn đề cao và kêu gọi lòng dũng cảm? Tôi hiểu về lòng dũng cảm chính từ những sự việc nhỏ bé mà tôi chứng kiến trong cuộc sống hằng ngày với những người thân yêu nhất.

      Vốn là một cô bé nhút nhát yếu đuối, không ít lần tôi từng đau khổ vì tính cách “trời sinh” này của mình. Còn nhỏ, hồi bé tôi sợ nhiều thứ lắm, nào sợ chuột, sợ gián, sợ dơi, sợ nhện, sợ đến cả mấy con tò vò hay bay vào góc nhà tôi xây tổ. Đến bây giờ tôi vẫn còn rất sợ ma, sợ tối. Anh trai tôi hay cười giễu tôi là đồ nhát như cáy ngày, đồ thỏ đế, đổ mít ướt. Còn mẹ tôi thì cười khích lệ: “Con phải dũng cảm lên chứ”! Dần dần, lớn lên tôi ngày càng nhận thấy, sự thiếu can đảm, con người ta sẽ rất khó sống. Mẹ tôi chính là tấm gương đầu tiên cho tôi soi để thấy lòng dũng cảm của con người. Mặc dù mẹ tôi từng phải trải qua chiến tranh. Mẹ không phải là cô giao liên, cô thanh niên xung phong mở đường cho chị cứu thương băng minh qua mưa bom bão đạn góp phần làm nên cuộc sống hòa bình hôm nay. Mẹ chỉ là một người phụ nữ nông dân bình thường, sớm tối miệt mài công việc gia đinh, đồng áng. Mẹ lội ruộng sâu khi mưa lũ tràn về mùa gặt, nước ngập ngang lưng, bất chấp những con vật mà tôi thường kinh hãi như đỉa, vắt, rắn, rết, mẹ cố sức đẩy thuyền lúa về nhà. Mẹ không khỏe lắm mà vẫn cố đẩy thêm vài thuyền lúa nữa giúp bác hàng xóm già yếu neo đơn dù mẹ đã rét run cầm cập. Có lần giữa đêm mưa lớn, nghe tiếng người kêu cứu ngoài mương, mẹ không quản ngại sấm chớp, lao ra khơi cửa. Mẹ bảo: “Thấy người cần giúp, sức mình cố giúp được mà không giúp là “phải tội”. Và tôi nghĩ mẹ chính là người dũng cảm nhất. Cô giáo tôi thường khuyên những bạn trót mắc lỗi hãy dũng cảm nhận lỗi. Một bạn nam thuộc loại “cá biệt” trong lớp tôi, một lần viết bậy lên tường, nhưng cô giáo lại tưởng thủ phạm là bạn khác và sắp sửa đưa hình thức kỷ luật cho bạn đó. Bạn “cá biệt” có thể im lặng nhưng cuối cùng đã dám nói ra sự thật, xin lỗi của mình. Cả lớp tôi bắt đầu nhìn bạn “cá biệt” bằng con mắt khác, “không cá biệt” nữa. Một anh thanh niên tay không bắt sống bọn cướp giật ngoài phố, lấy lại đồ đạc mà không sợ chúng trả thù. Một cậu bé dám nhảy xuống sông cứu người sắp chết đuối trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta có thể được chứng kiến nhiều hành động sáng ngời lòng dũng cảm như thế. Lòng dũng cảm càng bộc lộ rõ hơn khi con người bị đẩy vào những hoàn cảnh đặc biệt bất thường. Đó là tấm gương quên mình hi sinh cho cuộc chiến tranh tranh độc lập dân tộc, tự do dân tộc của các thế hệ anh hùng đất Việt, từ Trần Đình Trọng cho đến Nguyễn Trung Trực, Lê Văn Tám, Nguyễn Văn Trỗi, Trần Văn Ơn, Nguyễn Thái Bình. Đó còn là những con người sẵn sàng xả thân vì công lí, lương tri và nghệ thuật điện ảnh thế giới đã tái hiện lại trong hình tượng thanh tra Ka-ta-nhi-a một mình chống lại ma-phi-a bất chấp cái chết đêm ngày rình rập. Từ nhỏ đến lớn, tất cả những con người và hành động đó chính là hiện thân của lòng dũng cảm.

      Như vậy, có thể hiểu lòng dũng cảm là dám sống mạnh mẽ, không sợ khó khăn gian khổ, không sợ chết, dám hi sinh vì mục đích của mình, được không? Có thể nói những người lính đánh thuê cho quân đội Mĩ đem thân làm bia đỡ đạn hòng xâm lân đất nước khác là có lòng dũng cảm được không? Hay những lẽ đánh bom tự sát phục vụ cho một vài tổ chức khủng bố trên thế giới cũng thể hiện lòng dũng cảm? Phải chăng nhóm phi công cảm tử lái máy bay đâm vào tòa tháp đôi ở Niu – Oóc ngày 11 tháng 9 năm 2001 là những người dũng cảm nhất thế giới? Tôi không cho rằng khái niệm lòng dũng cảm mở rộng đến vậy. Anh trai tôi cũng là một chàng trai đầy nam tính, rất dũng cảm, khi đi đâu có anh đi cùng là tôi hoàn toàn yên tâm. Có một lần, nhóm bạn cùng lớp của anh thách đố nhau về lòng dũng cảm, thử xem ai dũng cảm nhất. Điều kiện của cuộc thi dũng cảm là bơi qua sông Hồng vào lúc sáng sớm tinh mơ chưa rõ mặt người. Bôn người “dám” thi trong đó có cả anh trai tôi đã suýt mất mạng nếu không may mắn được một bác thuyền chài cứu kịp. Chỉ sót lại một người “hèn nhát” không dám tham dự thì không gây nên phiền hà.

Xem thêm:  Dàn ý cảm nghĩ về bài thơ Tiếng gà trưa (ngắn gọn, hay nhất) | Myphamthucuc.vn

      Bạn có cho rằng bốn người thanh niên đó dũng cảm không? Theo tôi, nên gọi họ là bọn “liều thân ngốc nghếch” thì đúng hơn. Tôi không có lòng dũng cảm trong những hành động vô nghĩa lí như vậy. Lòng dũng cảm không chỉ có nghĩa là không sợ khổ, không sợ chết mà nó còn gắn với mục đích tốt đẹp, ý nghĩa cao cả. Lòng dũng cảm tốt đẹp khi nhờ có nó, con người có đủ ý chí vươn lên vượt mọi gian khổ, thử thách để khẳng định phẩm giá, năng lực của bản thân.

      Lòng dũng cảm cao cả khi nhờ có nó, con người dám quên mình vì việc nghĩa, dám hi sinh tính mạng vì sự sống còn của đất nước, của người thân cũng như đồng bào, đồng đội. Như thế lòng dũng cảm luôn gắn liền với ý thức về nhân cách, phẩm giá làm người. Lòng dũng cảm còn đi liền với tình yêu thương, đức vị tha, khi nó thực sự cảm hóa con người. Lòng dũng cảm xa lạ với sự yếu hèn, bạc nhược không dám đối mặt với thử thách cũng như những thói hư tật xấu.
Cuộc sống luôn đầy những bất trắc, thử thách.

      Mỗi khoảnh khắc sống là mỗi khoảnh khắc vượt lên nỗi sợ hãi, sự yếu đuối của chính mình. Và mỗi khi phải đối mặt với những sự thật không mong muốn, tôi lại tự nhủ với chính mình: Can đảm lên! Vì can đảm là cội nguồn của cái đẹp!

Dẫn chứng về lòng dũng cảm – Bài mẫu 3

      Một con tằm phải trải qua đau đớn để tự chui ra khỏi cái kén và trở thành con bướm biết bay. Một hạt giống nằm sâu trong lòng đất nảy mầm phải tự vươn thẳng lên xuyên qua tầng đất dày để thành cây cứng cáp. Những thử thách đã làm nên giá trị của sự thành công và ta sẽ không thể vượt qua được những thử thách ấy để thành công nếu không có lòng dũng cảm.

      Dũng cảm là dám đương đầu với mọi khó khăn, gian lao vất vả, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì công lí, không sợ hãi, hèn yếu mà bỏ cuộc;dám vượt qua mọi thử thách, thậm chí là giới hạn của chính mình, chiến thắng bản thân để hoàn thành mục đích đề ra.

      Dũng cảm là một đức tính cao đẹp, vô cùng cần thiết, luôn được đề cao từ xưa đến nay. Thế nên mới nói, dũng cảm ảnh hưởng rất lớn đối với mỗi con người. Lòng dũng cảm giúp ta chấp nhận hậu quả sau mỗi quyết định, dám đứng lên sau mỗi lần vấp ngã, đương đầu với những nỗi khổ đau và quan trọng hơn hết là tạo cho ta sức mạnh để chiến thắng chính mình, vượt qua số phận mà đến với thành công. Không chỉ vậy, lòng dũng cảm còn là động lực giúp ta đứng lên bảo vệ công lí, động cơ nâng cao tình thần tương thân tương ái giữ người với người và cuối cùng nâng cao hơn là tình yêu Tổ quốc. Ta có thể thấy dù trong thời kì nào đi chăng nữa thì luôn có sự hiện diện của lòng dũng cảm. Thời xưa thì có Trần Bình Trọng thà “ làm ma nước Nam chứ không làm vương đất Bắc”, thời chống Pháp, chống Mỹ thì có anh Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng để đoàn quân tiến về phía trước hay các cô gái Ngã ba Đồng Lộc không ngại hiểm nguy phá đá mở đường cho đoàn xe tiến tới.Và trong cuộc sống hiện nay của thời kì đổi mới, lại cũng có không ít những tấm gương về lòng dũng cảm vô cùng đáng khâm phục như các bác xe ôm Võ Việt Cường ở chợ Tân Định tay không bắt cướp, cậu học trò Phạm Văn Phong cứu sống cả ba người bị chết đuối trong lúc đang đi bắt ốc trên ghe. Bởi vậy nếu nói rằng lòng dũng cảm quả thực trở thành phẩm chất tạo nên những bậc anh hùng thì quả thực không sai.

      Lòng dũng cảm cần thiết là vậy nhưng đáng buồn thay khi cũng vẫn còn đó những con người hèn nhát nhu nhược. Họ mới gặp chút khó khăn đã sớm chán nản,thoái lui rồi càng dấn sâu vào con đường sai trai hay tự kết liễu đời mình như những trường hợp tự tử vì thi rớt đại học hay thất tình mà ta vẫn thường nghe thấy trên báo đài.Bên cạnh đó, ta cũng cần phân biệt lòng dũng cảm thực sự với sự bồng bột liều lĩnh nhất thời hùa theo những điều sai trái, bất chấp lời khuyên răng của mọi người để rồi không chỉ hại người mà còn hại đến mình.

      Vậy làm sao để rèn luyện được lòng dũng cảm?Thế nên học sinh chúng ta cần phải có đủ bản lĩnh, không sợ hãi khi đối đầu với khó khăn mà và cố gắng học tập thật tốt, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Chúng ta cần rèn luyện lòng dũng hằng ngày, từ những việc nhỏ nhất.
Người có lòng dũng cảm, dám hy sinh lợi ích cá nhân của mình đấu tranh vì lợi ích chung của cộng đồng xã hội sẽ được mọi người kính trọng mến phục. Do đó, ngày nay thì tuổi trẻ chúng ta cần phải không ngừng rèn luyện cho mình lòng dũng cảm, cùng với các đức tính khác ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường để ngày càng hoàn thiện bản thân,sớm trở thành một người thành công,công dân tốt phục vụ cho xã hội, cho đất nước.

Dẫn chứng về lòng dũng cảm – Bài mẫu 4

      Theo Nho giáo, đạo lí làm người đề cao năm đức: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Nhân để thành người tốt. Nghĩa để thu phục nhân tâm. Lễ để luyện tâm chính. Trí để được thành danh. Tín để đạt thành công. Tuy không nhắc đến dũng nhưng tinh thần của dũng lại thấm nhuần trong tất cả các đức tính nêu trên.

      Vậy thế nào là dũng cảm? Dũng cảm là có dũng khí dám đương đầu với sức chống đối, với nguy hiểm. Ví dụ như: người chiến sĩ dũng cảm; dũng cảm bênh vực lẽ phải, bênh vực kẻ yếu thế. Tuy là một khái niệm trừu tượng nhưng lòng dũng cảm lại được thể hiện qua những lời nói, hành động cụ thể trong cuộc sống. Người xưa khẳng định: Kiến nghĩa bất vi vô dõng dã. (Thấy việc nghĩa mà không làm là không có dũng khí). Mà như vậy thì chẳng xứng mặt anh hùng, cúi xuống thẹn đất, ngửa lên thẹn trời, bị người đời chê trách, phỉ nhổ.

      Trong văn chương, có rất nhiều nhân vật tiêu biểu cho lòng dũng cảm, dám xả thân để cứu khốn, phò nguy. Lục Vân Tiên, chàng học trò trên đường lên kinh ứng thí, gặp bọn cướp Phong Lai đang ức hiếp dân lành đã một mình tả đột hữu xông, đánh tan bọn chúng, cứu Kiều Nguyệt Nga và nữ tì Kim Liên. Lúc Kiều Nguyệt Nga cảm tạ và muốn đền ơn, Lục Vân Tiên khẳng khái đáp:

      Làm ơn há dễ trông người trả ơn…

      Hành động quên thân vì nghĩa của Lục Vân Tiên là biểu hiện của dũng khí – một trong những đức tính cao quý của các bậc chính nhân quân tử trong xã hội phong kiến ngày xưa.
      Từ Hải – nhân vật lí tưởng trong Truyện Kiều cũng là điển hình của lòng dũng cảm:

Giang hồ quen thói vẫy vùng,

Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo.

      Chàng không chấp nhận triều đình thối nát đương thời, nên đã lập ra:

Triều đình riêng một góc trời.

Gồm hai văn võ, rạch đôi sơn hà.

Đòi phen gió quét mưa sa,

Huyện thành đạp đổ năm tòa cõi nam.

Phong trần mài một lưỡi gươm,

Những phường giá áo túi cơm sá gì!

Nghênh ngang một cõi biên thùy,

Thiếu gì cô quả, thiếu gì bá vương!

      Từ Hải khẳng định phẩm chất cao quý của người anh hùng là trọng nghĩa: Anh hùng tiếng đã gọi rằng:

Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha!

      Chàng đã đưa Thúy Kiều từ thân phận tủi nhục của một kĩ nữ chốn lầu xanh lên địa vị cao sang của một bậc phu nhân quyền quý. Chàng giúp nàng báo ân, báo oán – cũng là thực hiện ước mơ công lí, chính nghĩa của nhân dân.

      Đó là trong văn chương. Còn trong thực tế cuộc sống cũng có rất nhiều gương sáng về lòng dũng cảm. Điển hình là tấm gương của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, chỉ với lí tưởng cứu dân cứu nước và hai bàn tay trắng mà đã dám dấn thân vào con đường đầy gian lao, thử thách. Năm 1911, anh rời bến cảng Nhà Rồng, xuất dương để tìm chân lí cách mạng giải phóng dân tộc, giành chủ quyền độc lập, tự do cho Tổ quốc Việt Nam. Người bạn thân hỏi lấy tiền đâu mà đi, Nguyễn Tất Thành chìa hai bàn tay thay cho câu trả lời. Lòng yêu nước, khát vọng tự do đã tạo nên dũng khí và sức mạnh, giúp người thanh niên ấy đương đầu và vượt qua trăm ngàn khó khăn, nguy hiểm, để rồi ba mươi năm sau, người chiến sĩ cộng sản quốc tế Nguyễn Ái Quốc (Nguyễn Tất Thành) đã trở thành vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tự do, độc lập. Viết về Bác Hồ thời kì bị chính quyền Tưởng Giới Thạch vô cớ bắt giam trên đất Trung Quốc, Quách Mạt Nhược – một học giả nổi tiếng đã kính phục tôn vinh Bác là một bậc đại trí, đại nhân, đại dũng. Còn nhà thơ Tố Hữu đã sáng tác những vần thơ đẹp nhất để ca ngợi con người Việt Nam đẹp nhất là Bác Hồ:

Xem thêm:  Bài dự thi Đại sứ văn hóa đọc 2021 Đề số 2 | Myphamthucuc.vn

Người trông gió bỏ buồm chọn lúc,

Nước cờ hay, xoay vạn kiêu binh.

Lòng dũng cảm quyết không khuất phục,

Yêu hòa bình, đâu sợ chiến chinh!

(Theo chân Bác)

      Lòng dũng cảm chính là chất thép trong khí tiết của người chiến sĩ cộng sản chân chính. Chất thép ấy có khi chứa đựng trong một ẩn dụ đầy tính nghệ thuật, một lời tự khuyên mình:

Ví không có cảnh đông tàn,

Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân ?

Nghĩ mình trong bước gian truân,

Tai ương rèn luyện, tinh thần thêm hăng.

      Hoặc trong những bài thơ đề cao tinh thần chiến đấu và ý chí chiến thắng không gì lay chuyển nổi của người tù cách mạng:

Thân thể ở trong lao,

Tinh thần ở ngoài lao.

Muốn nên sự nghiệp lớn,

Tinh thần càng phải cao.

      Tinh thần dũng cảm còn được thể hiện qua lòng yêu nước, sẵn sàng hi sinh để bảo vệ đất nước của hàng triệu thanh niên thời kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ. Họ rời đồng ruộng, nhà máy, trường học, tình nguyện vào mặt trận với quyết tâm tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì sự nghiệp thống nhất Tổ quốc.

      Ngày nay, trong cuộc sống hòa bình, lòng dũng cảm được thể hiện qua ý chí và quyết tâm làm cho dân giàu, nước mạnh. Nhiều trí thức ngày đêm nghiên cứu khoa học với nhiệt tình say mê, ý chí bền bỉ, phương pháp đúng đắn để có được những cống hiến hữu ích cho xã hội.

      Công việc khoa học nghiêm túc đòi hỏi họ phải có lòng dũng cảm, chấp nhận đương đầu với mọi cản trở trên bước đường tìm tòi, sáng tạo. Dám nghĩ, dám làm, dám cống hiến sức lực, trí tuệ và tuổi thanh xuân cho khoa học, đó là dũng khí.

      Có một danh nhân đã nói: Chiến thắng chính mình là chiến thắng khó khăn và vinh quang hơn cả. Đúng như vậy! Đầu thế kỉ XX, nhà giáo, nhà văn Nguyễn Bá Học đã có lời khuyên thanh niên: Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông.

      Người ngại núi e sông là người thiếu dũng khí, thiếu tự tin vào chính bản thân, chưa làm đã sợ thất bại. Mà như thế thì không bao giờ đạt được thành công trong cuộc đời. Những gương sáng kiên trì phấn đấu vượt lên số phận bất hạnh như chị Hướng Dương bị tai nạn giao thông cụt cả hai chân vẫn nhiệt tình là công tác từ thiện giúp đỡ trẻ em khuyết tật. Như các anh Nguyễn Công Hùng, Vũ Anh Tuấn, Nguyễn Đức, như các bạn Trương Thị Thương, Nguyễn Văn Thọ (nạn nhân chất độc màu da cam) vẫn cố gắng học tập và làm việc để trở thành người hữu ích. Muốn đạt được mục đích ấy, họ phải nỗ lực gấp mười, gấp trăm lần người khỏe mạnh.
      Lòng dũng cảm còn thể hiện ở những lời nói, hành động rất bình dị, đời thường. Một lời xin lỗi khi mắc lỗi; biết sửa sai kịp thời; không quay cóp khi không thuộc bài; biết kiềm chế trước sự quyến rũ của những thói hư tật xấu cũng rất cần đến lòng dũng cảm.

      Như vậy, dũng cảm là yếu tố cần thiết để tạo nên nhân cách tốt đẹp. Nhưng lòng dũng cảm không tự nhiên mà có bởi nó là kết quả của một quá trình tu dưỡng, rèn luyện lâu dài. Nếu có lúc nào nản lòng nhụt chí, chúng ta hãy nhớ tới câu: Mất tiền là chuyện nhỏ, mất danh dự là chuyện lớn, mất dũng khí là mất tất cả (Ngạn ngữ Đức). Các bạn ơi! Đừng bao giờ để mất dũng khí trong cuộc đời đầy thử thách này.

Dẫn chứng về lòng dũng cảm – Bài mẫu 5

      Cùng với lòng nhân ái, vị tha, đức tính trung thực, lòng dũng cảm luôn là điều mà mỗi nhân cách chân chính luôn cố gắng vươn tới. Nhưng có phải tất cả chúng ta đều nhận thức rõ về phẩm chất cao cả này?

      Con người có muôn vàn điều tốt đẹp và lòng dũng cảm chính là một nét phẩm chất cao quý trong nhân cách đạo đức con người. Thực ra không khó để nhận diện nó bởi từ thuở bé thơ, ai cũng từng được biết đến lòng dũng cảm qua những nhân vật cổ tích, thần thoại đáng yêu như chú lính chì, chú bé Tí hon, Thánh Gióng. Tên gọi khác của lòng cũng cảm là sự quả cảm, kiên cường, anh hùng – lòng dũng cảm gần gũi với nghị lực, với ý chí sắt đá. Nó hoàn toàn đối lập với sự hèn nhát, khiếp hãi. Lòng dũng cảm tôn vinh nhân cách con người trong khi đó, sự đớn hèn lại hạ bệ con người xuống vực sâu của sự thảm bại, đáng thương.

      Tất nhiên, không phải lúc nào lòng dũng cảm của con người cũng lộ diện. Nếu cuộc sống của mỗi người chỉ toàn những điều bình yên, may mắn, tốt đẹp thì có lẽ chúng ta chẳng bao giờ biết đến, cần đến lòng dũng cảm. Một em bé đang sang đường, cùng lúc đó, chiếc ô tô tải cũng chuẩn bị lao tới. Ngay lập tức, một cậu thanh niên nhanh nhẹn băng mình đẩy em bé đó ngã nhanh về phía bên kia đường. Em bé được cứu sống trong tích tắc. Khi Bác Hồ đến thăm lớp mẫu giáo và chia kẹo cho các bạn nhỏ, cậu bé Tộ không chìa tay để nhận kẹo của Bác vì em tự nhận thấy mình chưa ngoan, còn mắc lỗi khiến cô giáo quở trách.

      Những mẩu chuyện nhỏ đó cho chúng ta thấy về lòng dũng cảm. Và bất cứ ai cũng đều có thể nhận thấy rằng chỉ trong hoàn cảnh ngặt nghèo, nguy hiểm, những thử thách, gian truân, lòng dũng cảm mới có điều kiện bộc lộ qua những hành động cụ thể. Người mang trong mình phẩm chất cao quý đó là người không e ngại vất vả, hi sinh, họ luôn nhanh nhẹn ứng phó và biết quên mình trong các tình huống hiểm trở để khẳng định lẽ phải, sự công bằng, khẳng định cái thiện, bênh vực cái yếu. Hình ảnh chú bé liên lạc trong bài thơ Lượm (Tố Hữu) băng mình qua mưa bom bão đạn, cô gái thanh niên xung phong “lấy thân mình hứng lấy luồng bom” (Khoảng trời hố bom – Lâm Thị Mỹ Dạ), hình ảnh ngọn đuốc sống Lê Văn Tám, người chiến sĩ lấy thân mình lấp lỗ châu mai chẳng phải là những biểu tượng tuyệt đẹp của lòng dũng cảm đó sao? Lòng dũng cảm còn hiện diện trong những hy sinh thầm lặng của bao chiến sĩ công an đang ngày đêm gìn giữ trật tự an ninh cho đất nước. Nó có mặt ở cả sự không ngừng vươn lên của những con người phải sống trong bệnh tật, đói nghèo. Nó nằm trong hành động lao mình vào dòng xoáy nước dữ dội để giành lại đứa em thơ từ tay thần chết. Thực sự không có chiếc túi thần kì nào có thể chất chứa cho hết lòng dũng cảm của nhân loại, không giấy bút nào có thể lưu danh cho hết những con người mang trong mình nét nhân cách cao đẹp đó.

      Con người luôn cần và luôn hướng tới cái đẹp – đó là quy luật của cuộc sống. Cùng với những phẩm chất cao quý khác của nhân cách con người, lòng dũng cảm cần được giữ gìn, vun đắp để nó tồn tại mãi trong cuộc đời này. Lý do nào khiến mỗi người phải nhận thức rõ ràng về điều đó?

      Cuộc sống con người vốn dĩ không bao giờ bằng phẳng, dễ dãi. Không phải khi nào chúng ta cũng “thuận buồm xuôi gió” trong mọi công việc, mọi hành động. Khó khăn, bất trắc là những điều chúng ta không thể không đối mặt. Chiến tranh, thiên tai, bệnh tật, đói nghèo là kẻ thù truyền kiếp của loài người. Con người có thể tồn tại, phát triển như ngày nay không thể không kiên cường đối diện với chúng. Nghị lực là yếu tố đầu tiên mỗi người cần có nhưng lòng dũng cảm mới là yếu tố quan trọng, góp phần quyết định sự chiến thắng hay thất bại. Dũng cảm để chiến đấu nên nhân dân Việt Nam mới giành chiến thắng trước những tên đế quốc sừng sỏ như Pháp, Mĩ, mới được sống cuộc đời độc lập, tự do thực sự. Dũng cảm thế chấp nhà đất đỏ vay vốn ngân hàng nên nhiều hộ nông dân Việt Nam mới thoát khỏi cảnh nghèo đói, khổ cực. Dũng cảm đối diện với bệnh tật nên Nguyễn Ngọc Kí mới trở thành người thầy giáo mẫu mực như chúng ta vẫn thấy. Lòng dũng cảm là động lực đưa con người đứng cao hơn hoàn cảnh, đứng lên trên những khó khăn, gian khổ, thậm chí mất mát, hi sinh trong cuộc sống. Không có nó, có lẽ con người luôn bị nhấn chìm trong tiếng khóc oán thán, trong nỗi đau, trong sự thảm hại khôn cùng.

      Hiển nhiên, không phải suốt cuộc đời lúc nào chúng ta cũng phải đối phó với những tai ương, bất trắc. Ý nghĩa cuộc sống con người còn nằm ở việc sáng tạo, khám phá những điều mới mẻ xung quanh. Nếu Cô-lôm-bô không mạo hiểm đưa con tàu của mình đến châu Mĩ, liệu rằng chúng ta có thể biết đến những người thổ dân da đỏ nơi đây? Nếu Ga-ga-rin không bay vào vũ trụ, nếu các phi hành gia không thám hiểm các hành tinh khác, liệu rằng loài người có bao giờ biết đến những điều mới lạ bên ngoài Trái Đất của mình? Nếu Ê-đi-xơn không có những vụ nổ kinh hoàng trong phòng thí nghiệm, liệu rằng nhà bác học này có thể phát minh ra nhiều điều kì diệu cho nhân loại đến thế? Lòng dũng cảm là một trong các nhân tố khiến họ dám thực thi những điều chưa từng có tiền lệ. Mấy thế kỉ qua, loài người đã làm được bao nhiêu điều bất ngờ. Nếu không có lòng dũng cảm, chân trời hiểu biết của con người có thể rộng mở đến thế? Như vậy, lòng dũng cảm cần có để con người khám phá thêm cho cuộc sống này những điều mới lạ, bổ ích, để cuộc sống nhân loại không nhàm chán, tẻ nhạt mà ngày càng giàu có hơn, phong phú hơn.

Xem thêm:  Giải SBT Vật lý 6: Bài 22. Nhiệt kế - Thang nhiệt độ | Myphamthucuc.vn

      Ai đó từng nói: “Chiến thắng vĩ đại nhất là chiến thắng chính bản thân mình”. Điều đó hoàn toàn chính xác bởi con người thường không dám thừa nhận, không dám trực diện đối mặt với những khuyết điểm của chính bản thân. Chẳng thế mà Kinh Phật đã bàn về một thói xấu của con người: “Lỗi người ta tìm bới/ Như sàng trấu trong gạo/ Còn lỗi mình giấu biệt/ Như kẻ gian giấu bài”. Chẳng thế mà xưa kia các nhà nho chân chính thường tự răn mình: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất đề cao tinh thần phê và tự phê của các cán bộ cách mạng nói riêng và của mỗi người dân nói chung. Nhưng quả thực không dễ dàng để mỗi chúng ta có thể tự giác nhận thức được lỗi lầm của mình. Có thể vì sợ hãi hoặc vì thành tích mà đôi khi chúng ta không dám thừa nhận những thói xấu, những nhược điểm. Đó là vì chúng ta không có lòng dũng cảm, không dám chịu trách nhiệm với chính bản thân. Nhất thời, điều đó có thể không gây hại nhưng về lâu dài, nó nhất định ảnh hưởng đến sự tiến bộ của con người trong cuộc sống. Những người hèn nhát như thế sẽ không thể nào gặt hái được thành công, không thể có hạnh phúc trọn vẹn được. Chỉ khi nào dũng cảm nhận ra những lỗi lầm của mình, con người mới có cơ hội hoàn thiện bản thân, hoàn thiện nhân cách đạo đức của chính mình.

      Lòng dũng cảm giúp nhân vật xưng “tôi” trong truyện ngắn Bức tranh (Nguyễn Minh Châu) nhìn nhận được phần thiếu sót, sai lầm trong hành động của mình. Lòng dũng cảm khiến các bạn học sinh không ngại ngần viết vào bản tự kiểm điểm cá nhân những tồn tại trong quá trình học tập và rèn luyện đạo đức. Hành trình hoàn thiện nhân cách của mỗi con người không thể không có mặt lòng dũng cảm. Mỗi chúng ta chỉ có thể sống tốt hơn, cuộc sống của chúng ta chỉ ý nghĩa hơn khi mỗi người nhận thức một cách cao độ về lòng dũng cảm trong chính bản thân.
Thực ra, trước những vấn đề mang tính xã hội, mỗi người chỉ có thể góp phần sức lực nhỏ bé của mình. Muốn lòng dũng cảm trở thành tinh thần dân tộc, tinh thần nhân loại, trước hết toàn thể cộng đồng phải ngợi ca, nêu cao nó để mọi người có thể noi gương học tập. Hàng ngày, trên các phương tiện truyền thông, những câu chuyện cảm động về tinh thần dũng cảm vẫn được kể lại. Chỉ cần gõ ba chữ “lòng dũng cảm” lên trang web Google chúng ta có thể nhận được hàng trăm bài viết trên các báo điện tử có nội dung đó. Biện pháp tuyên truyền này sẽ góp phần xây dựng trong lòng mỗi người ý thức về tinh thần quả cảm, kiên cường. Tất nhiên việc ngợi ca, nêu gương đó phải đi liền với thái độ phê phán, thậm chí lên án những hành động hèn nhát, yếu đuối của con người. Có như vậy, nhận thức về lòng dũng cảm mới đầy đủ, toàn diện.

      Với tư cách cá nhân, mỗi người cũng cần tự giác rèn luyện cho mình lòng dũng cảm. Điều này cực kì quan trọng bởi nó có ý nghĩa trước hết với chính cuộc sống của chúng ta. Trước khi vị tha, lòng dũng cảm sẽ giúp chúng ta vững vàng trước những khó khăn trong cuộc sống của chính mình. Dám đương đầu với tất cả những thách thức trong học tập, rèn luyện đạo đức là cách tốt nhất để chúng ta gây dựng lòng dũng cảm cho bản thân. Chiến thắng sự cám dỗ của những trò chơi điện tử, của thói bạo lực trong học đường lẽ nào không cần đến lòng dũng cảm? Nhiệt tình hưởng ứng cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” lẽ nào không cần tinh thần dũng cảm? Những trở lực trong học hành, thi cử, những áp lực tinh thần từ xã hội, gia đình, bản thân sẽ giúp những người có lòng dũng cảm khẳng định được bản tính của mình.

      Sự nỗ lực rèn luyện lòng dũng cảm của mỗi chúng ta không thể tách rời việc tự giác nhận thức, học tập, làm theo những tấm gương dũng cảm trong xã hội. Không học hỏi, chúng ta sẽ không có kinh nghiệm, không thể nhanh nhạy trong cách ứng phó với các hoàn cảnh thử thách. Lòng dũng cảm cần được biến thành hành động và hành động đó phải mang lại kết quả tốt đẹp. Chúng ta không thể lao xuống nước để cứu người bị nạn khi chúng ta không biết bơi. Trong những tình huống như thế, tỉnh thần dũng cảm cần được hỗ trợ bởi trí thông minh, sự nhanh nhẹn.

      Thật khó tưởng tượng cuộc sống của chúng ta sẽ ra sao nếu không tồn tại lòng dũng cảm. Có lẽ bóng tối, cái ác, sự bất công tất cả những gì xấu xa nhất sẽ có cơ hội hoành hành, đàn áp con người. Trong bạn, lòng dũng cảm có ngự trị không? Hãy cố gắng giữ gìn, phát huy để nó mãi là một trong những nét đẹp trong nhân cách của chúng ta.

Dẫn chứng về lòng dũng cảm – Bài mẫu 6

      Trong cuộc sống, mỗi chúng ta cần có rất nhiều đức tính: trung thực, thật thà, hiếu thảo, biết tự trọng,… Và đức tính không thể thiếu đó chính là lòng dũng cảm. Vậy lòng dũng cảm là gì? Dũng cảm là có dũng khí, bản lĩnh, dám đối mặt với mọi khó khăn, nguy hiểm để làm những việc nên làm.

      Người dũng cảm là người có bản lĩnh, ý chí, nghị lực, dám nghĩ, dám làm, dám đấu tranh với cái ác để bảo vệ cái thiện…Tại sao mỗi chúng ta lại cần có lòng dũng cảm? Vâng, hẳn ai cũng có sẵn cho mình những câu trả lời thích đáng. Cuộc sống vốn không bằng phẳng, đường đời vốn không phải lúc nào cũng trải hoa hồng đón bước ta đi. Trước những khó khăn thử thách, những vật cản ngăn bước ta đi, lòng dũng cảm trở thành một nguồn sức mạnh nội sinh, một nhân tố quyết định cuộc đời mỗi người thành hay bại. Chắc hẳn chưa ai chưa từng nghe qua cái tên Walt Disney.

      Xuất phát điểm từ một người con trong một gia đình nghèo khó, trải qua nhiều lần thất bại trong việc thành lập hãng phim hoạt hình cho riêng mình những ông không hề từ bỏ, chấp nhận “ được ăn cả ngã về không” và cuối cùng đã thành lập được một hãng phim mang tên mình nổi danh khắp thế giới với những tác phẩm tuyệt vời. Lòng dũng cảm ở con người ấy là dũng cảm trước những khó khăn của cuộc sống, là không sợ thất bại và phải đương đầu với thất bại. Hơn thế nữa, sống là kết nối. Chúng ta không thể chỉ sống trong thế giới của riêng mình. Và một trong những cách thức hữu hiệu nhất để kết nối là trao đi yêu thương và bảo vệ lẽ phải. Cuộc sống vốn mang trong nó những nghịch lí trái chiều.

      Có khi công lí, lẽ phải và cái thiện bị lấn át bởi cái ác, cái xấu, cái bất nhất và những quan niệm cổ hủ, vô nhân bản. Dũng cảm để nhận ra cái xấu xa đang len lỏi vào đời sống. Dũng cảm để đứng lên tố cáo cái xấu để bảo vệ cái tốt cái thiện. Dũng cảm để mang đến một cuộc sống nhân loại ngày càng văn minh và hạnh phúc hơn. Trong bộ phim truyền hình dài tập của Ấn Độ “ Cô dâu 8 tuổi”, đạo diễn của bộ phim đã lên án tố cáo tục lệ tảo hôn ở những vùng nông thôn lạc hậu trên đất nước này. Chính vì lẽ đó mà khi được công chiếu, bộ phim đã nhận phải bao chỉ trích của chế độ bảo thủ lạc hậu ở những vùng nông thôn còn nghèo khổ đó. Những người làm phim đã không ngại những lời chỉ trích trái chiều của dư luận, nêu ra một vấn đề nhức nhối trong đời sống xã hội Ấn Độ, từ đó gióng một hồi chuông cảnh tỉnh cho con người tự giải thoát mình khỏi những hủ tục lạc hậu để đến gần với văn minh nhân loại.

      Ở đây, lòng dũng cảm hòng kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Dũng cảm để đấu tranh chống lại cái khó, cái ác, song dũng cảm cũng còn là dám đối mặt với chính những thiếu sót của bản thân, vượt lên chính mình. Khi mắc lỗi, người dũng cảm là người biết nhận lỗi và sửa chữa lỗi lầm của mình, để hoàn thiện bản thân. Tóm lại lòng dũng cảm là một đức tính quý báu của mỗi con người. Mỗi chúng ta phải biết sống ngay thẳng, thật thà, cần rèn luyện năng lực và trí tuệ để bồi đắp thêm cho lòng dũng cảm của mình.

Tham khảo: Top 15 bài nghị luận về sự cống hiến trong cuộc sống

—/—

Trên đây là các bài văn tổng hợp Dẫn chứng về lòng dũng cảm do Top lời giải sưu tầm và tổng hợp được, mong rằng với nội dung tham khảo này thì các em sẽ hiểu hơn về khái niệm lòng dũng cảm và các biểu hiện về lòng dũng cảm trong cuộc sống hàng ngày.

Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Học tập