Con rết tiếng Anh là “Centipede” có nghĩa là một trăm chân. Lúc lật hòn đá lên, thấy con vật ngoằn ngoèo bò chạy trốn thật nhanh, bạn chẳng thể nào đếm xem nó có đủ trăm chân hay không. Nhưng nếu đem đếm thì quả thật có một vài loại rết có trăm chân, có loại còn có hơn một trăm chân. Nhưng cũng có loại chỉ có 30 chân thôi. Ta đang lấy làm ngạc nhiên vì chẳng có mấy loài vật nào khác có nhiều chân như vậy thì ta sẽ còn ngạc nhiên hơn nếu biết những sinh vật như vậy lại không phải là hiếm hoi như ta tưởng. Có cả một nhóm sinh vật mà ta gọi là lớp “đa túc” (myriapoda), nghĩa là có nhiều chân. Một trăm chân mà bạn đã xuýt xoa thán phục vậy nếu bạn gặp một sinh vật có một ngàn chân, bạn sẽ làm sao? Xin nói rõ một ngàn chân chứ không ít hơn.
Như vậy, con rết của bạn đâu đã phải là vô địch về số chân. Và, loại sinh vật này là một trong những loại sinh vật cổ nhất còn tồn tại đến ngày nay. theo các nhà khoa học thì loài “bách túc” và “thiên túc” đã có mặt trên địa cầu này bao nhiêu triệu năm rồi chớ không phải chỉ là triệu năm.
Chỉ có hai chân thôi mà nhiều lúc con người còn bị vướng vấp. Vậy mà, với cả trăm chân, con rết điều khiển lại dễ dàng, lẹ làng. Chân rết song đôi từng cặp, mỗi cặp mọc ra từ một đốt của thân rết. thân rết dẹt và, tất nhiên, gồm nhiều đốt (đoạn). trên đoạn sát với đầu rết có hai cái râu dài và hai cái hàm mang chất độc. Chất độc của hầu hết các loài rết đều vô hại đối với con người. Tuy nhiên ở vùng nhiệt đới có những loại rết dài từ 16cm đến 20cm.
Rết này mà cắn thì phải biết! Bị thương nặng đấy. Thật ra, nó có cắn chết người hay không thì chưa biết, nhưng chim chóc nhỏ mà bị nó cắn thì chết chắc. Rết đẻ trứng, và để đại ở chỗ trống trải chớ không có ủ ấp gì ráo. Cứ thế trứng rết nở thành con rết. Có loài rết nở ra là có đầy đủ chân. Có loài mới nở ra chỉ có bảy cặp chân, rồi cứ mỗi lần lột da thì lại mọc thêm. Và cứ như thế cho đến lúc nó hoàn toàn trưởng thành. Rết săn mồi ban đêm. Ban ngày nó ẩn mình dưới hòn đá hay khúc cây mục. Như vậy, ta thấy rết rất sợ ánh sáng.