Câu hỏi ôn tập môn Ngữ văn lớp 8 cực hay, chọn lọc


Câu hỏi ôn tập môn Ngữ văn lớp 8 cực hay, chọn lọc

Bộ 1000 câu hỏi ôn tập môn Ngữ văn lớp 8 Học kì 1, Học kì 2 chọn lọc, cực hay, có đáp án được biên soạn theo từng bài học. Hi vọng bộ câu hỏi ôn tập này sẽ hỗ trợ Thầy/Cô tốt hơn trong quá trình giúp học sinh hiểu bài và qua đó giúp các em đạt kết quả cao trong bài thi môn Ngữ văn 8.

Mục lục Câu hỏi ôn tập Ngữ văn 8

Câu hỏi ôn tập Ngữ văn 8 Học kì 1

Câu hỏi ôn tập Ngữ văn 8 Học kì 2

Câu hỏi ôn tập bài Tôi đi học

Câu hỏi: Văn bản Tôi đi học được in trong tập truyện nào, Tác giả là ai?

Trả lời:

– Truyện ngắn “Tôi đi học” của tác giả Thanh Tịnh.

– Truyện được in trong tập “Quê mẹ” xuất bản năm 1941. Truyện ngắn thể hiện tâm trạng hồi hộp, lo lắng, đầy hồn nhiên của đứa trẻ lần đầu được đi tựu trường. Từ đây một môi trường mới sẽ mở ra, có bao nhiêu điều kì diệu đang ở phía trước, muốn cất cánh bay đi nhưng còn ngập ngừng, e sợ.

Câu hỏi: Văn bản Tôi đi học được viết theo thể loại nào?

Trả lời:

– Thể loại: truyện ngắn

Câu hỏi: Văn bản Tôi đi học sử dụng những phương thức biểu đạt nào?

Trả lời:

– Phương thức biểu đạt: Tự sự + Miêu tả + Biểu cảm

Câu hỏi: Văn bản Tôi đi học có ý nghĩa như thế nào?

Trả lời:

Ý nghĩa:

– “Tôi đi học” là một trang hồi ức của Thanh Tịnh, là trang văn đầy chất thơ kỉ niệm ngày tựu trường thời thơ ấu. Chất thơ ở giọng văn nhẹ nhàng truyền cảm. Nó khơi gợi tâm hồn, kí ức ngày cắp sách đến trường của mỗi chúng ta. “Tôi đi học” là tiếng lòng man mác, bâng khuâng của một thời để thương, để nhớ và yêu quý vô cùng.

Câu hỏi: Chủ đề của văn bản Tôi đi học là gì?

Trả lời:

Chủ đề văn bản: Những kỉ niệm sâu sắc về buổi tựu trường đầu tiên

Câu hỏi: Điều gì đã gợi nhắc nhân vật “tôi” nhớ về kỉ niệm của buổi tựu trường đầu tiên? Những kỉ niệm này của nhân vật ” tôi” được diễn tả theo trình tự như thế nào?

Trả lời:

– Những hình ảnh khiến tác giả nhớ về ngày đầu tiên đi học:

* ‘”Lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc”: những dấu hiệu đánh dấu đất trời đang chuyển mình sang thu – đồng thời cũng là mùa tựu trường của học sinh .

* “mấy em bé rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến trường”.

Tất cả đã gợi nhắc tác giả về những kỉ niệm khó quên của buổi tựu trường đầu tiên của mình

– Những kỉ niệm của nhân vật ”tôi” được diễn tả theo trình tự : thời gian, cụ thể:

* Từ con đường đến trường với ”sớm mai đầy sương thu và gió lạnh” và ”con đường làng dài và hẹp ”.

* Khi tập trung ở sân trường nghe ông đốc đọc tên những học sinh mới .

* Cuối cùng là lúc vào lớp , chuẩn bị học bài học đầu tiên .

Câu hỏi:T ìm những chi tiết hình ảnh thể hiện sự thay đổi tâm trạng của nhân vật “tôi” theo diễn biến của ngày đầu tiên đi học đó trong văn bản “Tôi đi học”.

Trả lời:

– Tâm trạng khi trên con đường làng:

* “Mẹ tôi âu yếm …dẫn tôi đi trên con đường làng dài và hẹp”.

* “Con đường này tôi đã ….thay đổi lớn: “Hôm nay tôi đi học”.

* “Trong chiếc áo vải … và đứng đắn”.

→ Những câu văn thể hiện sự bâng khuâng xao xuyến như những nốt nhạc lắng sâu vào hồn người, bởi vì lần đầu tiên đến trường là một sự kiện trọng đại của đời người. Trong tâm hồn cậu bé một cái gì đó rất mới mẻ, lạ lùng từ cảnh vật cho đến lòng người, tất cả đều sự trang trọng, thiêng liêng của ngày đầu tiên được đi học trong cuộc đời – cảm giác hãnh diện háo hức.

– Cùng mẹ đi trên đường tới trường :

* “Trước mắt tôi trường Mĩ Lí… làng Hòa Ấn.” Sân nó rộng …. vẩn vơ”.

→ Nhà văn đã diễn tả rất đúng tâm trạng ngỡ ngàng, cảm giác trước sự mới lạ về ngôi trường của cậu bé, khi mình được chính thức trở thành một thành viên của nó, sự rụt rè, nhút nhát của tuổi thơ.

– Tâm trạng khi nghe gọi tên mình và phải rời tay mẹ vào lớp:

* “Trong lúc ông đọc…lúng túng”.

* “ Tôi cảm thấy … đẩy tôi tới trước”.

* “Nhưng người tôi … một cách lạ”.

* “Quay lưng…nức nở khóc”.

* “Trong thời thơ ấu … như lần này”.

→ Thể hiện tâm trạng lo sợ hồi hộp lúng túng sự hồn nhiên, trong sáng của tuổi thơ trong buổi tựu trường đầu tiên

– Khi ngồi trong lớp đón giờ học đầu tiên :

Xem thêm:  Bài ca ngất ngưởng - tác giả, nội dung, bố cục, tóm tắt, dàn ý

* “Một mùi hương lạ xông lên,…là lạ và hay hay”.

* “Nhìn bàn ghế … vật của riêng mình”.

* “Người bạn tôi chưa hề quen … xa lạ chút nào”.

* “ Tôi đưa mắt …cánh chim…”.

→ Nhận xét: thể hiện một sự mới mẻ thích thú khi mới bước vào lớp học, cảm giác xốn xang, vừa lạ vừa quen với mọi vật, với người bạn ngồi bên

Câu hỏi: Đặc sắc nghệ thuật của truyện ngắn Tôi đi học

Trả lời:

* Miêu tả tâm trạng nhân vật tinh tế sâu sắc

* Bố cục của truyện được viết theo dòng hồi tưởng, cảm xúc của nhân vật trữ tình theo dòng thời gian của buổi tựu trường đầu tiên trong cuộc đời.

* Kết hợp nhiều phương thức biểu đạt tự sự, miêu tả, biểu cảm tinh tế.

* Giọng điệu trữ tình trong sáng, êm dịu, tha thiết.

* Sức cuốn hút của tác phẩm được tạo nên bởi tình huống truyện và tình cảm ấm áp, trìu mến của người lớn đối với các em nhỏ và hình ảnh thiên nhiên, khung cảnh ngôi trường và cách so sánh gợi hình, gợi cảm.

Câu hỏi: Nhận xét về thái độ, cử chỉ của những người lớn (ông đốc, thầy giáo đón học trò mới, các phụ huynh) đối với các em bé lần đầu tiên đi học trong văn bản “Tôi đi học”.

Trả lời:

* Ông đốc là một người lãnh đạo nhà trường rất hiền từ, nhân ái với học sinh.

* Thầy giáo trẻ niềm nở, tươi cười đón nhận học sinh lớp mới.

* Các bậc phụ huynh đều chuẩn bị chu đáo cho con em mình trong buổi đầu tựu trường: quần áo, sách vở.

* Tất cả đều trân trọng dự lễ khai giảng cùng các em.

Qua đó có thể thấy từ cha mẹ, thầy cô giáo đều có trách nhiệm và rất quan tâm đến con em mình trong ngày đầu tựu trường, để tạo ấn tượng tốt đẹp và giúp các em cảm thấy an tâm, vui vẻ trong lần đầu tiên đi học.

Câu hỏi: Em hãy nêu cảm nhận về ý nghĩa của ngày đầu tiên đi học trong cuộc đời mỗi người.

Trả lời:

Ý nghĩa ngày đầu tiên đi học:

Ngày đầu tiên đi học là một ngày vô cùng quan trọng và có ý nghĩa trong cuộc đời mỗi người. Nó đánh dấu một bước ngoặt lớn trong đời người, ngày con rời xa vòng tay che chở của cha mẹ tiến đến cánh cổng tri thức. Nơi đó không có cha mẹ thay vào đó là thầy cô, bạn bè, những kiến thức vô tận để con học tập rèn luyện toàn diện để khôn lớn bước vào đời. Chính xác hơn, đây là ngày mà con trưởng thành, tự lập, ngày mà một chân trời tri thức mới mở ra trước mắt mỗi người.

Câu hỏi ôn tập bài Trong lòng mẹ

Câu hỏi: Văn bản Trong lòng mẹ thuộc thể loại gì?

Trả lời:

– Thể loại: hồi kí

Câu hỏi: Văn bản “Trong lòng mẹ” có sự kết hợp của các phương thức biểu đạt nào?

Trả lời:

– Phương thức biểu đạt: tự sự + miêu tả + biểu cảm

Câu hỏi: Ý nghĩa của văn bản “Trong lòng mẹ” là gì?

Trả lời:

Đoạn trích thể hiện tình mẫu tử thiêng liêng và xúc động thông qua những rung động mãnh liệt của một tâm hồn trẻ thơ luôn khao khát tình yêu thương. Đến khi gặp mẹ, được nằm gọn trong lòng mẹ, Hồng có những cảm xúc rạo rực, nồng ấm, vui sướng mong đợi bấy lâu. Qua đó thể hiện tình cảm đáng thương của chú bé Hồng và lên án những hủ tục lạc hậu đã chia rẽ tình cảm gia đình.

Câu hỏi: Những nét đặc sắc nghệ thuật của văn bản “Trong lòng mẹ” là gì?

Trả lời:

Thành công trong nghệ thuật kể chuyện của văn bản “Trong lòng mẹ” thể hiện ở:

– Nghệ thuật miêu tả ngoại hình để bộc lộ tính cách và nội tâm nhân vật.

– Thể loại hồi kí có đan xen giữa tự sự, miêu tả và biểu cảm (kể chuyện với giọng văn thấm đẫm chất trữ tình) giúp diễn tả đầy đủ, sâu sắc chủ đề văn bản.

Câu hỏi: Nhan đề của văn bản “Trong lòng mẹ” có ý nghĩa gì?

Trả lời:

– Tên văn bản trước hết có ý nghĩa tả thực, gắn với một sự việc cụ thể: Hồng được gặp mẹ, được ngồi trong lòng mẹ, được mẹ yêu thương, âu yếm.

– Nhan đề văn bản còn mang ý nghĩa tượng trưng: “Trong lòng mẹ” là được sống trong tình thương của mẹ, là những khoảnh khắc bình yên, hạnh phúc của cậu bé khi được mẹ chở che, vỗ về.

– Từ nhan đề văn bản, người đọc đã phần nào hiểu được tình yêu thương mẹ tha thiết, sự khao khát được sống trong tình mẹ của chú bé Hồng, một chú bé có tuổi thơ đầy cay đắng và phải sống giữa những cay nghiệt của người đời

Câu hỏi: Qua đoạn trích “Trong lòng mẹ”, hãy chứng minh rằng nhà văn Nguyên Hồng giàu chất trữ tình.

Trả lời:

Chất trữ tình được thể hiện qua các phương diện sau :

– Tình huống truyện: bà cô với ý đồ thâm độc, dùng những lời lẽ mỉa mai, cay nghiệt muốn Hồng sẽ oán ghét mẹ mình nhưng ngược lại, Hồng càng thương mẹ mình hơn. Tình cảm của người con vẫn tràn đầy niềm yêu thương, tin tưởng và còn có mơ ước phá tan mọi hủ tục để cho mẹ không bị đau khổ.

Xem thêm:  Đoàn thuyền đánh cá - tác giả, nội dung, bố cục, tóm tắt, dàn ý

– Dòng cảm xúc phong phú của chú bé Hồng được miêu tả qua những chi tiết rất cảm động, sự xót xa túi nhục, lòng căm giận sâu sắc, quyết liệt, cũng như tình yêu thương nồng nàn, thắm thiết.

– Cách thể hiện tâm trạng nhân vật của tác giả thông qua việc kết hợp giữa cách kể và biểu lộ cảm xúc, những hình ảnh gợi cảm và giàu tính nhân văn trong dòng cảm xúc dạt dạo tình yêu thương.

Câu hỏi: Tình yêu thương mãnh liệt của chú bé Hồng đối với người mẹ bất hạnh được thể hiện như thế nào qua văn bản “Trong lòng mẹ” ?

Trả lời:

– Mặc dù đã ngót một năm chú bé không nhận được tin tức gì của mẹ, đặc biệt mặc dầu bị bà cô chia rẽ tình mẹ con, nhưng tình thương và lòng kính mẹ của bé Hồng vẫn nguyên vẹn.

– Bé Hồng không hề trách mẹ nếu quả là mẹ “đã chửa đẻ với người khác”. Tuy non nớt, nhưng bé hiểu “vì tội góa chồng, vì túng bần quá mà mẹ mình phải bỏ các con đi tha phương cầu thực”.

– Chú bé Hồng khi nghe những lời giả dối, thâm độc của bà cô xúc phạm đến người mẹ bất hạnh của mình càng thương mẹ mình hơn. Chú cố kìm nén nhưng “nước mắt ròng ròng rớt xuống hai bén mép rồi chan hòa đầm đìa ở cằm và ở cổ”.

– Hồng căm ghét cực độ những hủ tục đã đày đọa mẹ mình.”Cô tôi nói chưa dứt câu, cổ họng tôi đã nghẹn ứ không ra tiếng. Giá những cổ tục đày đọa mẹ tôi là một vật như hòn đá, cục thủy tinh, đầu mẩu gỗ, tôi quyết vồ ngay lấy mà cắn, mà nhai, mà nghiền cho kì nát vụn mới thôi”.

– Chỉ cần thoáng qua, bé đã phát hiện ra chính xác mẹ mình. Gặp mẹ, Hồng vui sướng cao độ. Niềm vui sướng ấy như thấm vào da thịt.

Qua đó có thể thấy, chú bé Hồng dù còn rất nhỏ nhưng là người con hiếu thảo, thấu hiểu cho hoàn cảnh gia đình và nỗi lòng của mẹ. Dù người khác có tác động, Hồng vẫn giữ một niềm tin và sự kính trọng với mẹ của mình.

Câu hỏi: Từ đoạn trích “Trong lòng mẹ”, hãy viết đoạn văn về tình yêu thương của em với mẹ mình.

Trả lời:

Hạnh phúc nhất của bạn khi trở về nhà là gì? Với tôi, là được nhìn thấy bóng dáng mẹ trong căn bếp nhỏ xinh, cảm giác ấy thật bình yên và ấm áp. Bao năm qua, mẹ không quản ngại gian nan và vất vả, nuôi dưỡng tôi nên người. Dù công việc bận rộn đến đâu, mẹ cũng không quên quan tâm từng miếng ăn, giấc ngủ, việc học hành của tôi mỗi ngày. Mẹ còn luôn tâm sự cùng tôi những chuyện về bạn bè, cuộc sống, mẹ dạy tôi phải biết ứng xử và yêu thương mọi người. Với tôi, mẹ luôn là điểm tựa bình an, là bờ vai tin tưởng, là người bạn thân thiết nhất để tôi chia sẻ mọi tâm tư buồn vui. Mẹ đã cho tôi cuộc sống và tôi luôn trân trọng hạnh phúc thiêng liêng đó. Nếu có một điều ước, tôi mong mẹ mãi mạnh khỏe và có nhiều niềm vui, không phải lo lắng muộn phiền. Mỗi khi đi đâu xa, tôi luôn ước ao được trở về, gối đầu lên vai mẹ để được mẹ vuốt ve và chở che như những ngày thơ bé. Có thể con không tài giỏi nhưng con hứa sẽ luôn luôn cố gắng học tập và tu dưỡng thật tốt để mẹ luôn tự hào về con. Từ đáy lòng, tôi luôn muốn được nói với mẹ: “Mẹ ơi! Con yêu mẹ nhiều lắm và tình yêu ấy mãi vẹn nguyên trong trái tim con.”

Câu hỏi ôn tập bài Tức nước vỡ bờ

Câu hỏi: Đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” thuộc thể loại nào?

Trả lời:

– Văn bản được trích trong tiểu thuyết “Tắt đèn”

Câu hỏi: Đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” được kể theo ngôi thứ mấy?

Trả lời:

– Đoạn trích được kể theo ngôi thứ 3- chính là tác giả.

Câu hỏi: Hoàn cảnh nào dẫn đến các sự việc của nhân vật trong đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” ?

Trả lời:

– Khi bọn tay sai xông vào nhà chị Dậu, tình thế của chị đang rất nguy khốn: vụ thuế đang ở vào thời điểm gay gắt nhất, bọn tay sai đang dốc sức đốc thúc những người còn nợ sưu vì quan sắp về làng thu thuế. Nhà chị Dậu thuộc dạng “cùng đinh”, đã phải chạy vạy hết cách, kể cả là bán con, bán chó mà vẫn chưa đủ tiền nộp sưu. Anh Dậu bị bắt trói, cùm kẹp đến rũ rượi mới được thả về… Cả nhà đã nhịn đói mấy ngày, vừa mới được bà hàng xóm tốt bụng cho bát gạo để nấu cháo cầm hơi…

– Khi bọn cai lệ, người nhà lí trưởng xông vào, chị Dậu bị đẩy vào một tình thế vô cùng nguy cấp: không có cách gì chạy tiền nộp sưu mà nếu để anh Dậu bị bắt trói một lần nữa thì mạng sống khó mà giữ được… Hoàn cảnh bế tắc như không lối thoát.

Câu hỏi: Đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” mang lại ý nghĩa gì?

Trả lời:

– Bằng ngòi bút hiện thực sinh động, đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” đã vạch rõ bộ mặt xấu xa, tàn bạo của xã hội thực dân phong kiến đương thời đẩy người nông dân vào tình cảnh vô cùng khốn khổ, bế tắc, khiến họ phải liều mạng cự lại. Đoạn trích còn cho thấy vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ nông dân, vừa giàu tình yêu thương vừa có sức sống tiềm tàng, mạnh mẽ

Xem thêm:  Soạn bài Ôn tập tác phẩm trữ tình ngắn nhất

Câu hỏi: Đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” mang lại những giá trị nghệ thuật nào?

Trả lời:

– Nghệ thuật tạo tình huống truyện có tính kịch

– Nghệ thuật xây dựng nhân vật: miêu tả nhân vật chân thật, sinh động về ngoại hình, ngôn ngữ, hành động, tâm lí.

– Đoạn trích tiêu biểu cho ngòi bút hiện thực, ngôn ngữ kể chuyện vô cùng linh hoạt.

Câu hỏi: Trong đoạn trích “Tức nước vỡ bờ”, khi bọn tay sai xông vào nhà chị Dậu, tình thế của chị như thế nào?

Trả lời:

– Khi bọn tay sai xông vào nhà chị Dậu, chị đang múc cháo ra bát cho cả nhà.

– Chị mới vừa rón rén bưng bát cháo cho chồng và đang hồi hộp “chờ xem chồng chị có ăn ngon miệng không”

– Anh Dậu vừa “run rẩy cất bát cháo anh mới kề vào đến miệng” thì hai tên tay sai đã “sầm sập tiến vào” trong tay đầy những “roi song, tay thước và dây thừng” chúng là hiện hình của tai họa.

Câu hỏi: Em hiểu như thế nào về nhan đề “Tức nước vỡ bờ” đặt cho đoạn trích? Theo em đặt tên như vậy có thỏa đáng không? Vì sao?

Trả lời:

– Nhan đề “Tức nước vỡ bờ” đặt cho đoạn trích này rất thoả đáng. Trước hết, đây là một thành ngữ dân gian; với đặc điểm súc tích, giàu ý nghĩa của những cụm từ cấu trúc kiểu này, nhan đề “Tức nước vỡ bờ” vừa thống nhất, vừa bổ sung, làm nổi bật ý nghĩa của đoạn trích.

– Thành ngữ “Tức nước vỡ bờ” là một kinh nghiệm mà ông cha ta đã đúc kết, nêu lên một chân lí khách quan: Một sự vật khi bị dồn nén đến một mức độ nhất định tất yếu sẽ phá vỡ khuôn khổ ấy.

– Có thể nói hành động của chị Dậu được thể hiện trong đoạn trích chính là điểm gặp gỡ giữa Ngô Tất Tô và tư tưởng người xưa khi cùng thể hiện logic cuộc sống: có áp bức tất có đấu tranh.

– Hành động đấu tranh của chị Dậu đã biểu hiện rõ được cái nhan đề. Khi con người bị áp bức bóc lột tới một giới hạn nhất định con người sẽ vùng lên đấu tranh để đòi lại công lý, “con giun xéo lắm cũng quằn”. Hành động của chị Dậu đã làm tăng lên ý nghĩa của hành động biết đấu tranh chống lại cái ác và cái xấu.

– Mặc dù tự phát, song hành động của chị cho thấy sức mạnh tiềm tàng của người nông dân. Sức mạnh ấy bắt nguồn từ ý thức nhân phẩm, từ tình yêu thương. Đây là đoạn văn sảng khoái nhất trong hơn một trăm trang “Tắt đèn”.

Câu hỏi: Nhận xét sự thay đổi trong diễn biến tâm lí của nhân vật chị Dậu trong đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” . Qua đó em thấy nhân vật chị Dậu có tính cách như thế nào?

Trả lời:

– Diễn biến tâm lí còn thay đổi qua cách xưng hô: từ cháu- ông, nhà tôi- ông, bà- mày. Những từ ngữ miêu tả và giọng văn pha chút hài hước của tác giả ở đây đã làm nổi bật sức mạnh ghê gớm của chị Dậu và hình ảnh bất lực thảm hại của tên cai lệ khi bị chị “ra đòn” bất ngờ.

→ Cho thấy những tâm trạng phẫn uất, những chịu đựng bị dồn nén. Sự vùng dậy của chị thể hiện một sức mạnh to lớn của chị đối với cái bọn quan lại thối nát và không có nhân tính, chị đã vùng dậy sau sự độc ác áp bức bóc lột và đưa con người tới cái chết.

→ Chị biểu hiện cho sự đấu tranh chống bọn tàn ác, và đây là một hiện tượng anh hùng của người phụ nữ đã biết đứng lên đấu tranh để đòi lại công lý.

Câu hỏi: Nhà văn Nguyễn Tuân cho rằng, với tác phẩm “Tắt đèn”, Ngô Tất Tố đã “Xui người nông dân nổi loạn”. Em hiểu thế nào về nhận xét đó? Qua đoạn trích “Tức nước vỡ bờ”, hãy làm sáng rõ ý kiến của Nguyễn Tuân.

Trả lời:

– Ý kiến của nhà văn Nguyễn Tuân một phần đúng vì qua đoạn trích cho chúng ta thấy sự bất công vô lí của nạn sưu thuế trong xã hội phong kiến: Người đã chết rồi vẫn phải nộp thuế thân.

– Sự tàn nhẫn của con người lên tới đỉnh điểm: dù gia đình chị Dậu đã đau lòng, dứt ruột bán cả con, cả chó để đủ một suất sưu thì bọn cường quyền vẫn không buông tha. Khi không đủ tiền nộp suất sưu của người em chú, chúng đã trói và đánh anh Dậu cho thập tử nhất sinh.

– Nguyễn Tuân muốn khẳng định quy luật có áp bức, có đấu tranh; áp bức càng mạnh thì đấu tranh càng dữ dội. Họ vùng lên để đòi lại công bằng cho cuộc sống của mình. Đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” là dẫn chứng tiêu biểu chứng minh cho ý kiến trên.

………………………………

………………………………

………………………………

Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Văn mẫu