Câu hỏi ôn tập bài Sự giàu đẹp của tiếng Việt chọn lọc


Câu hỏi ôn tập bài Sự giàu đẹp của tiếng Việt chọn lọc

Trọn bộ câu hỏi ôn tập về bài Sự giàu đẹp của tiếng Việt Ngữ văn lớp 7 chọn lọc, cực hay. Với bộ câu hỏi bài Sự giàu đẹp của tiếng Việt này, học sinh sẽ ôn tập, nắm vững kiến thức môn Ngữ văn 7 để đạt điểm cao trong các bài thi môn Ngữ văn 7.

Câu hỏi: Hãy cho biết nhận định “Tiếng Việt có những đặc sắc của một thứ tiếng đẹp, một thứ tiếng hay” được giải thích cụ thể trong đoạn đầu bài văn “Sự giàu đẹp của tiếng Việt” này như thế nào?

Trả lời:

– Nhận định “Tiếng Việt có những đặc sắc của một thứ tiếng đẹp, một thứ tiếng hay” được giải thích khá rõ ràng bằng hai luận cứ qua một cấu trúc lặp có nhịp điệu: “nói thế có nghĩa là nói rằng…” gồm hai vế.

– Ở vế thứ nhất (luận cứ 1), tác giả nêu những đặc trưng cơ bản của tiếng Việt “hài hoà về mặt âm hưởng, thanh điệu mà cũng rất tế nhị, uyển chuyển trong cách đặt câu..”

– Ở vế thứ hai (luận cứ 2), tiếp nối vế trước, nêu khả năng của tiếng Việt trong việc “diễn tả tình cảm, tư tưởng và thoả mãn cho yêu cầu của đời sống văn hoá nước nhà qua các thời kì lịch sử”.

Câu hỏi: Để chứng minh cho vẻ đẹp của tiếng Việt, tác giả đã đưa ra những chứng cứ gì và sắp xếp các chứng cứ ấy như thế nào trong bài “Sự giàu đẹp của tiếng Việt”?

Trả lời:

Để chứng minh cho vẻ đẹp của tiếng Việt, tác giả đã trình bày hai chứng cứ về ý kiến của người nước ngoài về tiếng Việt và ý kiến của bản thân trực tiếp phân tích, miêu tả trên nhiều phương diện. Cụ thể như sau:

– Phương thức gián tiếp là trình bày các ý kiến về tiếng Việt của người nước ngoài. Tác giả đã đưa ra những chứng cứ rất toàn diện, từ người không biết tiếng Việt cho đến người biết tiếng Việt. Người không biết tiếng Việt thì chỉ cần căn cứ vào âm thanh cũng nhận ra rằng, “tiếng Việt là một thứ tiếng giàu chất nhạc”. Người biết tiếng Việt có thể đưa ra những nhận định cụ thể. Phương thức này tuy không thể cung cấp những nhận định khái quát và đầy đủ nhưng có ưu điểm là rất khách quan.

– Để bổ sung cho chứng cứ trên, tác giả trực tiếp phân tích, miêu tả các yếu tố ngôn ngữ của tiếng Việt trên các phương diện cơ bản, từ ngữ âm, ngữ pháp đến từ vựng.

Qua hệ thống luận cứ và những dẫn chứng toàn diện về mọi mặt như vậy, tác giả sắp xếp từ những chứng cứ gián tiếp đến trực tiếp, từ người ngoại quốc tới người trong cuộc, làm nổi bật cái đẹp và cái hay của tiếng Việt. Cái đẹp của tiếng Việt thể hiện ở sự hài hoà về âm hưởng, thanh điệu, còn cái hay lại thể hiện trong sự tế nhị, uyển chuyển trong cách đặt câu, có đầy đủ khả năng diễn đạt những tư tưởng, tình cảm của con người và thoả mãn các yêu cầu phát triển của đời sống văn hoá ngày một phức tạp về mọi mặt kinh tế, chính trị, khoa học, kĩ thuật, văn nghệ,…

Xem thêm:  Soạn bài Thạch Sanh ngắn nhất

Câu hỏi: Sự giàu có và khả năng phong phú của tiếng Việt được thể hiện ở những phương diện nào trong bài “Sự giàu đẹp của tiếng Việt”?

Trả lời:

– Tiếng Việt có hệ thống nguyên âm phụ âm phong phú, giàu thanh điệu (6 thanh).

– Uyển chuyển, cân đối, nhịp nhàng về mặt cú pháp.

– Từ vựng dồi dào giá trị thơ, nhạc, hoạ.

– Có khả năng dồi dào về cấu tạo từ ngữ và hình thức diễn đạt.

– Có sự phát triển qua các thời kì lịch sử về cả hai mặt từ vựng và ngữ pháp. Có khả năng thích ứng với sự phát triển liên tục của thời đại và cuộc sống.

Câu hỏi: Điểm nổi bật trong nghệ thuật nghị luận ở bài văn “Sự giàu đẹp của tiếng Việt” này là gì?

Trả lời:

Về nghệ thuật nghị luận, bài viết này có nhiều ưu điểm nổi bật:

– Tác giả đã kết hợp hài hoà giữa giải thích, chứng minh với bình luận.

– Tác giả đã sử dụng một hệ thống lập luận chặt chẽ: nêu nhận định khái quát, giải thích bằng nhiều phương thức linh hoạt, tiếp đó dùng các dẫn chứng để chứng minh. Các dẫn chứng được dẫn ra khá bao quát, toàn diện.

– Để cho bài viết thêm ngắn gọn, súc tích, tác giả đã nhiều lần sử dụng biện pháp mở rộng thành phần câu.

Câu hỏi: Sưu tầm, ghi lại những ý kiến nói về sự giàu đẹp, phong phú của tiếng Việt và nhiệm vụ giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Trả lời:

Những ý kiến nói về sự giàu đẹp, phong phú của tiếng Việt và nhiệm vụ giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là:

– Phạm Văn Đồng: “Tiếng Việt của chúng ta rất giàu. Tiếng Việt của chúng ta rất đẹp. Giàu bởi kinh nghiệm đấu tranh của nhân dân ta lâu đời và phong phú. Đẹp bởi tâm hồn của người Việt Nam ta rất đẹp. Hai nguồn của cái giàu, cái đẹp ấy là ở chỗ tiếng Việt là tiếng nói của nhân dân, đầy tình cảm, màu sắc và âm điệu, hồn nhiên, ngộ nghĩnh và đầy ý nghĩa; đồng thời nó là ngôn ngữ của văn học mà những nhà thơ lớn như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… và những nhà văn, nhà thơ ngày nay ở miền Bắc và miền Nam đã nâng lên đến trình độ rất cao về nghệ thuật.”

– Bác Hồ: “Tiếng nói là một thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải gìn giữ nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp.”

Câu hỏi: Qua văn bản “Sự giàu đẹp của tiếng Việt”, phát biểu cảm nghĩ của em về sự giàu đẹp của tiếng Việt bằng một đoạn văn.

Xem thêm:  Cảm nhận bài thơ Khi con tu hú của Tố Hữu năm 2021

Trả lời:

Văn bản “Sự giàu đẹp của tiếng Việt” là tiếng nói tự hào về thứ ngôn ngữ đặc sắc của dân tộc. Tiếng Việt là thứ tiếng đẹp, tiếng hay. Bằng những lập luận chặt chẽ viết theo văn phong khoa học, tác giả đã đưa ra những lí lẽ đầy thuyết phục. Tiếng Việt đẹp bởi giàu chất nhạc, có âm hưởng, thanh điệu vô cùng uyển chuyển và tế nhị. Đó cũng là chất liệu để viết lên bao áng văn chương, bao khúc hát ngọt ngào, tinh tế, đậm đà bản sắc dân tộc từ xưa đến nay. Thứ tiếng ấy còn có khả năng dồi dào về cấu tạo từ ngữ và hình thức diễn đạt, hệ thống nguyên âm và phụ âm vô cùng phong phú. Từ ngữ qua các thời kì tăng lên ngày một nhiều. Ngữ pháp của tiếng Việt cũng dần trở nên uyển chuyển, chính xác. Điều đó khiến cho tiếng Việt trở nên phong phú, có khả năng biểu đạt đa dạng, phong phú trong mọi lĩnh vực từ kinh tế, chính trị, kĩ thuật, văn hóa, văn nghệ… Như vậy, tiếng Việt là niềm tự hào, là “quốc ngữ” của người Việt. Để có được điều đó, hơn bốn nghìn năm qua, cả dân tộc ta đã cùng nhau đoàn kết chống lại sự xâm lăng của văn hóa ngoại quốc, để giữ trong mình tiếng nói riêng của người Việt. Vì vậy, thế hệ trẻ chúng ta cần gìn giữ và phát huy để tiếng nói ấy ngày càng đẹp và càng hay hơn. Đó là trách nhiệm và cũng là niềm tự hào khi chúng ta mang trong mình dòng máu Lạc Hồng.

Câu hỏi: Sưu tầm bài thơ nói về sự giàu đẹp của tiếng Việt.

Trả lời:

Bài thơ : Tiếng Việt

(Lưu Quang Vũ)

Tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm

Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về

Có con nghé trên lưng bùn ướt đẫm

Nghe xạc xào gió thổi giữa cau tre.

Tiếng kéo gỗ nhọc nhằn trên bãi nắng

Tiếng gọi đò sông vắng bến lau khuya

Tiếng lụa xé đau lòng thoi sợi trắng

Tiếng dập dồn nước lũ xoáy chân đê.

Tiếng cha dặn khi vun cành nhóm lửa

Khi hun thuyền, gieo mạ, lúc đưa nôi

Tiếng mưa dội ào ào trên mái cọ

Nón ai xa thăm thẳm ở bên trời.

“Ðá cheo leo trâu trèo trâu trượt…”

Ði mòn đàng dứt cỏ đợi người thương

Ðây muối mặn gừng cay lòng khế xót

Ta như chim trong tiếng Việt như rừng.

Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói

Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ

Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa

Xem thêm:  Soạn bài Các thao tác nghị luận ngắn nhất

Óng tre ngà và mềm mại như tơ.

Tiếng tha thiết, nói thường nghe như hát

Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh

Như gió nước không thể nào nắm bắt

Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh.

Dấu hỏi dựng suốt ngàn đời lửa cháy

Một tiếng vườn rợp bóng lá cành vươn

Nghe mát lịm ở đầu môi tiếng suối

Tiếng heo may gợi nhớ những con đường.

Một đảo nhỏ ngoài khơi nhiều kẻ nhận

Vẫn tiếng làng tiếng nước của riêng ta

Tiếng chẳng mất khi Loa thành đã mất

Nàng Mỵ Châu quỳ xuống lạy cha già.

Tiếng thao thức lòng trai ôm ngọc sáng

Dưới cát vùi sóng dập chẳng hề nguôi

Tiếng tủi cực kẻ ăn cầu ngủ quán

Thành Nguyễn Du vằng vặc nỗi thương đời.

Trái đất rộng giàu sang bao thứ tiếng

Cao quý thâm trầm rực rỡ vui tươi

Tiếng Việt rung rinh nhịp đập trái tim người

Như tiếng sáo như dây đàn máu nhỏ.

Buồm lộng sóng xô, mai về trúc nhớ

Phá cũi lồng vời vợi cánh chim bay

Tiếng nghẹn ngào như đời mẹ đắng cay

Tiếng trong trẻo như hồn dân tộc Việt.

Mỗi sớm dậy nghe bốn bề thân thiết

Người qua đường chung tiếng Việt cùng tôi

Như vị muối chung lòng biển mặn

Như dòng sông thương mến chảy muôn đời.

Ai thuở trước nói những lời thứ nhất

Còn thô sơ như mảnh đá thay rìu

Ðiều anh nói hôm nay, chiều sẽ tắt

Ai người sau nói tiếp những lời yêu?

Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển

Có gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya?

Ai ở phía bên kia cầm súng khác

Cùng tôi trong tiếng Việt quay về.

Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ

Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn

Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá

Tiếng Việt ơi tiếng Việt xót xa tình

Câu hỏi: Nội dung và nghệ thuật văn bản “Sự giàu đẹp của tiếng Việt”.

Trả lời:

Nội dung:

– Tiếng Việt mang trong nó những giá trị văn hóa rất đáng tự hào của người Việt Nam.

– Trách nhiệm giữ gìn, phát triển tiếng nói dân tộc của mỗi người Việt Nam.

Nghệ thuật:

– Kết hợp giải thích và chứng minh.

– Lập luận chặt chẽ: mở bài nêu nhận định ngắn gọn, thân bài đã giải thích, chứng minh nhận định và kết bài sơ kết lại nhận định.

– Các dẫn chứng toàn diện, bao quát.

Dẫn chứng: Tiếng Việt đẹp (hình thức): khách quan, chủ quan; Tiếng Việt hay (nội dung): từ vựng, ngữ pháp, ngữ âm

Câu hỏi: Hoàn cảnh sáng tác của bài viết “Sự giàu đẹp của tiếng Việt”.

Trả lời:

Tên bài do người soạn sách đặt, là đoạn trích phần đầu của bài nghiên cứu “Tiếng việt, một biểu hiện hùng hồn của sức sống dân tộc”, in lần đầu năm 1967, được bổ sung và tuyển chọn và đưa vào “Tuyển tập Đặng Thai Mai”, tập II.

Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Văn mẫu