Cảnh ngày xuân (trích Truyện Kiều) – tác giả, nội dung, bố cục, tóm tắt, dàn ý


Cảnh ngày xuân (trích Truyện Kiều) – tác giả, nội dung, bố cục, tóm tắt, dàn ý

Nhằm mục đích giúp học sinh nắm vững kiến thức tác phẩm Cảnh ngày xuân (trích Truyện Kiều) Ngữ văn lớp 9, bài học tác giả – tác phẩm Cảnh ngày xuân (trích Truyện Kiều) trình bày đầy đủ nội dung, bố cục, tóm tắt, dàn ý phân tích, sơ đồ tư duy và bài văn phân tích tác phẩm.

A. Nội dung tác phẩm Cảnh ngày xuân (trích Truyện Kiều)

  • Tái hiện một bức tranh mùa xuân tươi sáng, trong trẻo.
  • Khung cảnh lễ hội mùa xuân náo nức, tấp nập mà trang trọng.
  • Hé mở thế giới tâm hồn rất nhạy cảm, tinh tế của Thuý Kiều.

B. Đôi nét về tác phẩm Cảnh ngày xuân (trích Truyện Kiều)

1. Vị trí

Nằm trong phần I: Gặp gỡ và đính ước

Sau khi giới thiệu về gia đình Vương ông, dựng chân dung Vân Kiều, Nguyễn Du bắt đầu tả cảnh mùa xuân và chị em Thúy Kiều du xuân.

2. Bố cục

Bố cục theo trình tự thời gian của cuộc du xuân:

+ Bốn câu đầu: Khung cảnh ngày xuân.

+ Tám câu tiếp: Khung cảnh lễ hội trong tiết thanh minh.

+ Sáu câu cuối: Cảnh chị em Kiều du xuân trở vể.

3. Giá trị nội dung

Đoạn trích đã khắc họa rõ nét bức tranh thiên nhiên và lễ hội mùa xuân tươi đẹp, trong sáng, náo nhiệt trong cuộc du xuân của hai chị em Thúy Kiều vào tiết thanh minh.

4. Giá trị nghệ thuật

Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình tinh tế.

  • Chất liệu: ước lệ
  • Bút pháp: chấm phá tinh tế
  • Ngôn ngữ: giàu hình ảnh.

C. Sơ đồ tư duy Cảnh ngày xuân (trích Truyện Kiều)

Cảnh ngày xuân (trích Truyện Kiều) - tác giả, nội dung, bố cục, tóm tắt, dàn ý

D. Đọc hiểu văn bản Cảnh ngày xuân (trích Truyện Kiều)

1. Vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên mùa xuân

– Hai câu thơ đầu: vừa nói đến thời gian, vừa gợi được không gian:

+ Thời gian: đã bước sang tháng ba “thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi”.

+ Không gian: trong trẻo

→ Vừa tả cảnh vừa ngụ ý thời gian trôi qua mau. Mùa xuân đẹp nhưng thấm thoát trôi mau tiết trời đã sang tháng 3 – tháng cuối của mùa xuân.

– Hai câu sau: bức tranh xuân tuyệt mĩ

+ “Cỏ non xanh tận chân trời” → không gian khoáng đạt, giàu sức sống

+ “Cành lê trắng điểm một vài bông hoa” → hoa mùa xuân với sắc trắng trong trẻo, thanh khiết, tinh khôi.

Bức tranh mùa xuân sinh động, giàu sức sống.

Xem thêm:  Giới thiệu về Nguyễn Dữ năm 2022

2. Khung cảnh lễ hội trong tiết thanh minh

– Lễ hội mùa xuân hiện lên với Lễ tảo mộ và Hội đạp thanh

+ “Lễ là tảo mộ” → lễ thăm viếng, sửa sang, quét tước phần mộ người thân; đốt tiền vàng để tưởng nhớ những người đã khuất.

+ “Hội là đạp thanh” → vui chơi chốn đồng quê, đạp lên những thảm cỏ xanh.

– Không khí lễ hội được gợi tả từ hệ thống từ ngữ giàu sức biểu cảm:

+ Các tính từ được sử dụng: “nô nức”, “gần xa”, “ngổn ngang” → làm rõ hơn tâm trạng của người đi lễ hội

+ Các danh từ sự vật: “yến anh”, “tài tử”, “giai nhân”, “ngựa xe”, “áo quần” → gợi sự tấp nập, đông vui của người đi hội.

+ Các động từ: tảo mộ, đạp thanh, sắm sửa, bộ hành → gợi sự rộn ràng của ngày hội.

→ khắc họa truyền thống văn hóa của dân tộc.

– Lễ và hội giao thoa hài hòa yêu quý, trân trọng những vẻ đẹp của quá khứ dân tộc.

Nghệ thuật:

+ Bút pháp chấm phá, các từ ngữ được sử dụng đa dạng, linh hoạt, nghệ thuật tả cảnh ngụ tình…

+ Cách nói ẩn dụ từng đoàn người chơi xuân như chim yến, chim oanh → nổi bật không khí ngày hội và tâm trạng của người đi hội.

Không khí lễ hội: tưng bừng, đông vui, tấp nập, nhộn nhịp.

3. Cảnh chị em Thuý Kiều du xuân trở về

– Bóng ngả về tây → Thời gian, không gian thay đổi (yên lặng dần, không còn nhộn nhịp, tưng bừng)

– Nghệ thuật:

+ Từ láy: tà tà, thanh thanh, nao nao, thơ thẩn → miêu tả sắc thái cảnh vật, bộc lộ tâm trạng con người

“nao nao” → thoáng gợi nét buồn khó hiểu.

“thơ thẩn” → chị em Kiều ra về trong sự bần thần, nuối tiếc, lặng buồn.

→ Vận dụng ngôn ngữ dân tộc sáng tạo, độc đáo.

– Bút pháp cổ điển, tả cảnh ngụ tình → Tâm trạng bâng khuâng, xao xuyến, có chút tiếc nuối về một ngày vui xuân đang còn mà sự linh cảm điều gì sắp xảy ra đã xuất hiện. Đó là dự cảm về một nỗi buồn thương chưa thể lí giải của ngươi thiếu nữ nhạy cảm và sâu lắng.

E. Bài văn phân tích Cảnh ngày xuân (trích Truyện Kiều)

Trong thơ xưa, thiên nhiên không chỉ là trung tâm của cái đẹp mà còn là nơi gửi gắm tâm tình của con người. Và trong “Truyện Kiều” bất hủ, đại thi hào Nguyễn Du đã dành tới 222 câu thơ miêu tả cảnh thiên nhiên. Trong đó đoạn trích “Cảnh ngày xuân” được coi là một bức tranh đẹp vào loại bậc nhất của “Truyện Kiều”. Chỉ với 18 câu thơ hàm súc, Nguyễn Du đã gieo vào lòng người đọc sức sống tràn trề của mùa xuân, đồng thời, giúp ta cảm nhận được sự tinh tế trong bút pháp miêu tả giàu chất tạo hình của ông.

Đoạn thơ mở ra trước mắt ta khung cảnh mùa xuân trong tiết thanh minh, qua bốn câu thơ đầu:

“Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”

Nguyễn Du vẽ lên bức tranh xuân thật đẹp. Nhà thơ đã lựa chọn chi tiết tiêu biểu mang nét đặc trưng của ngày xuân để khắc họa bức tranh ấy. Cách tính thời gian khá độc đáo, nghệ thuật miêu tả ước lệ: “chim én”, “thiều quang” gợi sự ấm áp, dịu dàng. Như vậy, mùa xuân đang ở độ đẹp nhất, chín nhất, sung mãn nhất. Ngày xuân trôi qua nhanh như con thoi dệt cửa, đã qua tháng giêng, tháng hai, bây giờ là tháng ba, tiết trời trong xanh, những con én rộn ràng chao liệng như nhịp thoi đưa trên bầu trời. Thiên nhiên đẹp hơn bởi sắc “xanh” của cỏ non, sắc “trắng” của “một vài bông hoa” lác đác:

Xem thêm:  Văn bản “Mẹ tôi” viết về chủ đề gì?

Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”

Tác giả đã tái hiện bức tranh xuân tươi tắn, sống động gợi liên tưởng về sự sinh sôi nảy nở. Màu xanh của cỏ non gợi sức sống mạnh mẽ, bất diệt, không gian mênh mông, thoáng đạt, trong trẻo. Trên nền xanh ấy có điểm xuyết một vài bông hoa lê trắng. Văn cổ thi Trung Quốc được Nguyễn Du học tập một cách sáng tạo “Phương thảo niên bích/ Lê chi sổ điểm hoa”. Nếu hai câu thơ Trung Quốc dùng hình ảnh “phương thảo” (cỏ thơm) thiên về mùi vị thì Nguyễn Du thay bằng “cỏ non” thiên về màu sắc: màu xanh nhạt pha với màu vàng chanh tươi thắm hợp với màu xanh lam của nền trời làm thành gam nền cho bức tranh. Trên đó điểm xuyết sắc trắng thanh khiết, tinh khôi của hoa lê tạo thành bức tranh đẹp hài hòa, tươi mát, mới mẻ. Chữ “trắng” được Nguyễn Du thêm vào và đảo lên trước càng gây ấn tượng mạnh. Chữ “điểm” làm cho cảnh vật trở nên có hồn, sinh động. Bốn câu thơ lục bát gợi lên không gian thoáng đãng, trong trẻo của mùa xuân.

Mùa xuân là mùa khởi đầu trong một năm, là mùa cây cối đâm chồi nảy lộc, tâm hồn con người phơi phới. Mùa xuân cũng là mùa có nhiều lễ hội. Trong thơ của Nguyễn Du:

“Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh”

Tác giả đã đưa ta về với lễ nghi, phong tục tập quán của người phương Đông. Lễ tảo mộ là hướng về cội nguồn, tổ tiên, truyền thống văn hóa tâm linh, tri ân với quá khứ. Đi tảo mộ là đi sửa sang, thắp hương để tưởng nhớ người đã khuất. Còn “hội đạp thanh” là cuộc du xuân, vui chơi trên đồng cỏ xanh của những trai tài, gái sắc, nam thanh nữ tú. Hội đạp thanh còn là cuộc sống hiện tại và có thể tìm đến những sợi tơ hồng cho mai sau. Ở bốn câu thơ tiếp theo, tác giả đã gợi tả không khí lễ hội bằng một loạt các từ ngữ giàu sắc thái biểu cảm: từ láy “nô nức”, “dập dìu”, “sắm sửa”; từ ghép Hán Việt: “tài tử”, “giai nhân”, “bộ hành”, “yến anh” kết hợp với các biện pháp nghệ thuật như ẩn dụ, so sánh đã khắc họa thật sinh động cảnh đông vui, tưng bừng, náo nhiệt đang diễn ra ở khắp mọi miền đất nước.

Xem thêm:  Bài thơ “Chiều tối” được sáng tác trong hoàn cảnh nào?

“Dập dìu tài tử giai nhân
Ngựa xe như nước áo quần như nêm”

Hình ảnh so sánh thật giản dị “ngựa xe như nước, áo quần như nêm”, gợi tả không khí náo nức của lễ hội, từng đoàn người nhộn nhịp đi chơi xuân trong bộ áo quần đẹp đẽ, tươi thắm sắc màu. Tác giả còn miêu tả một nét đẹp trong ngày tết thanh minh đó là đốt tiền vàng để tưởng nhớ người thân đã khuất:

“Ngổn ngang gò đống kéo lên
Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay”

Nhịp điệu thơ 2/4 và 4/4 thoáng một nét buồn. Phải chăng đó là trái tim đầy tình thương, sự sẻ chia của đại thi hào Nguyễn Du đối với những người đã khuất. Dưới ngòi bút miêu tả tinh tế của nhà thơ, lễ và hội trong tiết thanh minh là một sự giao hòa độc đáo, chứng tỏ nhà thơ rất trân trọng vẻ đẹp và giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc.

Nếu như những dòng thơ trên phác họa khung cảnh nhộn nhịp, đông vui của lễ hội thì sáu câu thơ cuối tạo nên một nhịp điệu trữ tình man mác buồn theo từng bước chân của chị em Thúy Kiều:

“Tà tà bóng ngả về tây,
Chị em thơ thẩn dang tay ra về
Bước dần theo ngọn tiểu khê
Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh
Nao nao dòng nước uốn quanh
Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang”

Cảnh mang nét thanh thanh, dìu dịu của buổi chiều xuân với nắng nhạt, khe nước nhỏ, nhịp cầu bắc ngang. Buổi chiều tà thường gợi lên một cảm giác buồn khó tả. Cuộc vui đã tàn, lễ hội tưng bừng náo nhiệt đã hết, tâm hồn con người cũng “chuyển điệu” cùng cảnh vật. Không gian thu hẹp lại, thời gian trôi chậm hơn, phảng phất nỗi tiếc nuối, lưu luyến của lòng người. Các từ láy “tà tà”, “thanh thanh”, “nao nao”, “nho nhỏ” vừa tả cảnh, vừa gợi tâm trạng bâng khuâng, xao xuyến. Dư âm ngày vui xuân như dự báo, linh cảm về điều sắp xảy ra trong tâm hồn nhạy cảm của Thúy Kiều. Và đúng như vậy, Thúy Kiều đã gặp nấm mồ của “Đạm Tiên, gặp chàng nho sinh “phong tư tài mạo tót vời”- Kim Trọng như một định mệnh tiền duyên.

Tóm lại, bằng cách sử dụng hệ thống từ ghép, từ láy giàu chất tạo hình, giàu sức gợi tả, đoạn trích “Cảnh ngày xuân” xứng đáng là bức tranh đẹp. Dưới ngòi bút của Nguyễn Du, cảnh vật hiện lên tươi đẹp, trong sáng nhưng nhuốm màu tâm trạng. Đây là yếu tố tạo nên thành công của đoạn trích và đưa tên tuổi của đại thi hào Nguyễn Du đến gần với bạn đọc khắp năm châu ở mọi thế kỷ.

Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Văn mẫu