Cảm nhận của em về nhân vật Ngô Tử Văn | Myphamthucuc.vn

Cảm nhận của em về nhân vật Ngô Tử Văn

         Nguyễn Dữ – người đầu tiên đã đưa thuật ngữ “truyền kì” vào văn học Việt Nam và xuất sắc nhất ở thể loại này. Tên tuổi của ông gắn liền với danh tiếng của bộ truyện “Truyền kỳ mạn lục”, trong đó “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên” là tác phẩm đặc sắc nhất với cuộc tranh đấu gắt gao để trừ hại cho dân của Ngô Tử Văn-một trí thức nước Việt.

        Ngô Tử Văn được giới thiệu ngắn gọn về tên họ, quê quán, tính tình, phẩm chất khảng khái, nóng nảy, thấy sự gian tà thì không thể chịu được. Chỉ bằng vài câu chữ đã giúp người đọc hình dung hành động kiên quyết của nhân vật này. Hồn ma tên tướng giặc bại trận làm yêu làm quái trong dân gian cư ngụ tại nơi Tử Văn sống. Trước sự việc ngôi đền bị uế tạp và yêu quái có thể làm hại dân, Tử Văn cương quyết, công khai, đường hoàng, ung dung hành động điều mà không ai dám làm, đó là đốt đền. Mong muốn được vì dân diệt bạo, bảo vệ dân làng càng chứng tỏ cốt cách khảng khái của kẻ sĩ. Thế nhưng nó như ngòi châm cho sự bắt đầu một cuộc chiến công khai và minh bạch với hồn ma tên tướng giặc bại trận.

        Người xưa cho rằng, đốt đền là việc đại kỵ, xâm phạm đến thần linh, báng bổ thần thánh. Thế nhưng, Tử Văn đốt đền thờ của hắn nhằm mục đích cao cả muốn vì dân diệt bạo. Sự tức giận của Tử Văn không phải là sự tức giận cho riêng mình mà xuất phát từ nỗi lo lớn, từ suy nghĩ xa xăm lo cho chúng sinh bị gây rối. Vì thế, việc Tử Văn làm là vì nghĩa lớn, mong trừ hại cho dân. Và cũng chính nó đã châm lên ngọn lửa thách thức với hồn ma tên tướng giặc bại trận.

Xem thêm:  Suy nghĩ của em về nhân vật chị Dậu qua đoạn trích Tức nước vỡ bờ | Myphamthucuc.vn

       Thái độ của Ngô Tử Văn với hồn ma tên tướng giặc càng khẳng định tấm lòng cao cả vì nghĩa lớn và sự gan góc. Ở đây, ta thấy sự đối lập vô cùng rõ rệt giữa một bên là sự ngay thẳng còn kia là sự gian trá, xảo quyệt. Chính hồn ma lưu vong của tên tướng giặc đã gây hoạ cho dân lành. Hắn tác oai tác quái rồi đến khi bị đốt đền, không chốn nương thân lại giả thần giả quỷ dọa nạt. Đúng là khi sống thì tàn sát dân chúng, chết rồi vẫn quen thói ỷ mạnh hiếp yếu, bắt nạt mọi người. Hắn bị Tử Văn đốt đền là đáng đời nhưng lại hiện hình, âm mưu khiến cho chàng bị sốt nóng sốt rét, đầu lảo đảo kiện Tử Văn xuống tận Diêm Vương. Trước sự ngang ngược trắng trợn, quyền phép đáng sợ của hồn ma tướng giặc, Ngô Tử Văn vẫn điềm nhiên, không hề run sợ mà tự tin, không để những lời đe dọa cản trở ý chí mà giữ vững lập trường với lòng tin mãnh liệt vào chiến thắng của nhân nghĩa. Chính điều đó tạo ra phép màu để được phù trợ giúp đỡ chàng bẻ gãy luận điệu xảo trá của tên gian tà.

        Tuyên chiến với một kẻ thù đầy sức mạnh hiểm ác, lúc đầu Tử Văn “đơn thân độc mã”, nhưng chàng tin vào việc làm và sức mạnh chính nghĩa của mình. Hành động “vẫn cứ ngồi ngất ngưởng tự nhiên” của Tử là hành động tự tin của người nắm được chính nghĩa trong tay. Chính nhờ bản lĩnh và lòng quyết đoán nên được thổ thần đất Việt giúp đỡ. Trong cuộc chiến đấu, Tử Văn có được sự trợ giúp của Thổ Thần, nhưng với một người bị đánh đuổi khỏi nơi ở của mình, không dám đấu tranh, “phải đến nương tựa đền Tản Viên”,”phải tạm ẩn nhẫn mà ngồi xó một nơi” thì Tử Văn có thể đặt hết niềm tin hay không? Hồn ma tên tướng giặc càng bẻ gãy ý chí của chàng trước mặt Diêm Vương để giành phần thắng về mình thì Tử Văn càng điềm tĩnh, tự tin. Trong hoàn cảnh bị oan ức “tội sâu ác nặng, không được liệt vào hàng khoan giảm”, Tử Văn chẳng những không hề e dè, lo lắng hay chán nản, bỏ cuộc, ngược lại rất vững vàng, bền bỉ, một mực kêu oan, đòi phải được phán xét công khai, minh bạch. Khi đối diện trước Diêm vương uy nghiêm, Tử Văn đấu tranh vạch tội kẻ ác, bẻ gãy luận điệu xảo trá của hắn bằng giọng điệu rất đanh thép vững vàng. Thế nhưng, trớ trêu thay, người cầm cán cân công lý cũng đã có lúc tỏ ra hồ đồ. Tử Văn không chỉ “kêu to”, khẳng định “Ngô Soạn này là kẻ ngay thẳng ở trần gian”, “cứng cỏi, không chịu nhún nhường chút nào” đầy khảng khái, vẫn một quyết tâm sắt đá. Cứ từng bước, Ngô Tử Văn đã đánh lui tất cả sự phản công, bẻ gãy những luận điệu gian manh xảo trá.

Xem thêm:  Cảm nhận của em về đoạn trích Chiếc lược ngà ngắn gọn nhất | Myphamthucuc.vn

        Tử Văn giữ chức phán sự ở đền Tản Viên. Chính thổ công  khẳng định “người ta sống ở đời, xưa nay ai chẳng phải chết, miễn là chết đi còn được tiếng về sau” để khuyên Văn nhận chức. Thế là Văn vui vẻ nhận lời. Ngô Tử Văn xứng đáng là một kẻ sĩ cứng cỏi của nước Việt với thái độ quyết tâm đấu tranh triệt để với cái xấu cái ác. Bằng yếu tố ảo và thực. câu chuyện diễn ra đầy tính chất li kì nhưng chuyện lại có vẻ như rất thực bởi cách dẫn người khác.

         Rõ ràng ta thấy Ngô Tử Văn mang tất cả phẩm chất của bậc anh hùng bộc trực, khảng khái, dám nghĩ, dám làm, hành động kiên cường, dứt khoát và sẵn sàng đấu tranh, đứng ra bảo vệ lẽ phải. Đây chính là nhân vật đại diện cho tầng lớp trí thức Việt Nam bấy giờ. Qua cuộc đấu tranh của nhân vật tác phẩm không chỉ khẳng định cốt cách của kẻ sĩ mà còn bộc lộ những góc khuất trong hiện thực đời sống khi cán cân công lí bị bẻ cong bởi những người vốn đại diện cho lẽ phải.

Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Học tập